"Dựng hàng rào" với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 20:14 GMT+7

VTV.vn - Để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước, nhiều nước đã tăng cường "dựng hàng rào" với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử.

Thách thức với thương mại điện tử Việt Nam

Từ đầu tháng này, sàn thương mại điện tử Temu từ Trung Quốc đã bắt đầu quảng bá rầm rộ tại nước ta, với những lời mời gọi mua sắm giá siêu rẻ, giảm tới 90%. Sàn thương mại này đang nối gót các "đàn anh" như Taobao, 1688, Shein trong cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình khoảng 25%/năm, thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.

Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện tại đã vượt ngưỡng 61 triệu người với giá trị mua sắm trực tuyến vào khoảng 336 USD/người.

Đây cũng là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Và cũng đang đặt ra hàng loạt các vấn đề trong công tác quản lý cùng thách thức cạnh tranh đối với thị trường thương mại điện tử tại nước ta.

Những ngày gần đây, rất nhiều những quảng cáo, giới thiệu về sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới đang đồng loạt có mặt tại thị trường Việt Nam. Thậm chí quảng cáo chéo qua các nền tảng xã hội khác để tiếp cận người dùng Việt Nam. Cùng với đó là hàng loạt thông báo ưu đãi như gói giảm giá lớn cho người tiêu dùng. Thậm chí giảm 2-3 lần so với giá thành hoặc được khuyến mại tới 90%.

Chị Nguyễn Ngọc Tâm - Phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Xuất hiện một sàn thương mại điện tử giá rẻ đối với tôi cũng là thêm một lựa chọn để mua sắm. Tuy nhiên, với giá sản phẩm rẻ, tôi cũng lo lắng về chất lượng bởi vì nếu mua về mà không sử dụng được thì có khi lại thành đắt".

Thế nhưng các chuyên gia đánh giá, đây đều là chiêu trò để thu hút người dùng. Trên các ứng dụng mua hàng trực tuyến này, người mua hàng cảm giác như có thể tham gia được vào cả quá trình vận chuyển hàng hoá bằng cách bấm vào nút "thúc giục vận chuyển hàng nhanh". Tuy nhiên, việc thanh toán chỉ được chấp nhận bằng các loại thẻ tín dụng Google Pay, Visa, MasterCard....

Ông Đặng Hải Lộc - CEO Công ty Công nghệ AIVgroup chia sẻ: "Những tính năng thuộc về góc độ thao túng tâm lý người dùng. Nếu những người dùng chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều hiểu biết về những tính năng công nghệ này rất dễ rơi vào bẫy marketing.Vô hình trung, nó sẽ khiến cho những người dùng trên nền tảng này lâu dần sẽ hình thành phản xạ bị nghiện, có nghĩa là họ bị nghiện mua sắm, nghiện cảm giác được mua những món đồ giá rẻ như Hàn Quốc, Trung Quốc hay một số quốc gia như Mỹ, người ta đều nghe nói giới trẻ ngập trong nợ nần, ngập trong thẻ tín dụng".

Xuất hiện cả mô hình hoa hồng nhiều cấp để khuyến khích nhiều người dùng tham gia hơn. Tải ứng dụng và đăng ký sẽ có ngay 50.000 đồng. Nếu giới thiệu một người dùng tải ứng dụng và tham gia chương trình sẽ nhận được tiền thưởng 150.000 đồng.

Khi thành viên mới tham gia và mua hàng, người giới thiệu sẽ được số tiền nhất định và cả người giới thiệu bậc trên cũng được nhận thêm hoa hồng, ở mức cao từ 10-30%.

Ông Đặng Hải Lộc - CEO Công ty Công nghệ AIVgroup chia sẻ thêm: "Hiện nay, một số sàn thương mại điện tử này chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và khi chúng ta quảng bá một nền tảng chưa được cấp phép tại Việt Nam, cũng như chưa được đánh giá đầy đủ các tác động đến thị trường bán lẻ Việt Nam thì đây là dấu hiệu tạo nên các tác động tiêu cực tới những người bán hàng, người tiêu dùng ở trong nước".

Các chuyên gia cũng cho biết, các sàn thương mại điện tử bán hàng siêu rẻ xuyên biên giới đang là thách thức cạnh tranh lớn với các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Vấn đề là khi các sàn thương mại điện tử đó chưa được cấp phép hoạt động, quảng cáo không đúng thực tế thì ai sẽ là người bảo vệ người tiêu dùng? Làm thế nào để thu thuế và quản lý hoạt động kinh doanh? Và cũng sẽ là thách thức lớn khi chưa có các cơ chế quản lý, áp dụng các biện pháp bảo hộ cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Dựng hàng rào với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử? - Ảnh 1.

Các sàn thương mại điện tử bán hàng siêu rẻ xuyên biên giới đang là thách thức cạnh tranh lớn với các sàn thương mại điện tử Việt Nam

EU yêu cầu Temu tuân thủ Luật Dịch vụ kỹ thuật số

Rõ ràng, thêm một cái tên mới xuất hiện là thêm sự cạnh tranh về giá. Và người tiêu dùng là người được hưởng lợi. Tuy nhiên cũng cần làm rõ là cạnh tranh đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tuân thủ các quy định về thuế, hay chống hàng giả.

Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử Temu đã ra mắt tại Mỹ và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Tại châu Âu, giới chức EU đang siết chặt kiểm soát sàn thương mại điện tử Temu với những lo ngại có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Những sản phẩm có giá bán rẻ đến mức khó hiểu từ các nền tảng bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đang làm đau đầu giới quản lý Nhà nước và doanh nghiệp châu Âu.

Tờ Vaterland ra tại Liechtenstein hôm thứ Năm vừa rồi lấy ví dụ: "Một đôi giày nam giá 5 franc, chỉ bằng ly cà phê trong quán. Đồng hồ thông minh 10 franc. Máy đo huyết áp chưa tới 15 franc. Những mức giá quá hời từ Temu hay Shein hấp dẫn tới mức khó tin", nhưng đúng là từ châu Âu có thể mua được với giá như thế thật. "Khoảng hai tỷ bưu phẩm hàng hoá lặt vặt đã từ Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2023. Cơ quan hải quan không thể theo dõi xuể". Vấn đề của những món hàng rẻ tiền đó, theo bài báo, thứ nhất là "nhiều sản phẩm bị lỗi"; thứ hai là bán hàng theo cách thức bị cấm tại châu Âu, kiểu tác động tâm lý khách hàng, "Siêu giảm giá sẽ kết thúc trong 10 giây, hoặc là tạo ấn tượng không mua nhanh là hết hàng"; và thứ ba là lách thuế bằng cách chia thành nhiều bưu phẩm, bởi vì "Liên minh châu Âu miễn thuế cho hàng nhập khẩu có giá trị thấp hơn 150 Euro".

Cách đây 10 hôm, Uỷ ban châu Âu đã gửi văn bản yêu cầu Temu phải giải thích cơ chế ngăn chặn sản phẩm bất hợp pháp cũng như cách thức bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng, theo đúng như Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu. Tờ Jyllands-Posten ra tại Đan Mạch cho biết rằng "Temu đã nhanh chóng phản hồi, rằng an toàn của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu", nền tảng bán hàng trực tuyến cam kết hợp tác đầy đủ với giới chức châu Âu. "Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số có hiệu lực từ tháng 2 năm nay quy định rõ, nếu một nền tảng trực tuyến lớn như Temu không tuân thủ quy tắc minh bạch thì Ủy ban châu Âu có thể áp mức phạt lên tới 6% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của nền tảng đó".

Vẫn chưa ai có thể giải thích được mô hình kinh doanh của các nền tảng bán hàng trực tuyến như Temu hay Shein, giá bán sản phẩm tới tay khách hàng quá thấp, tới mức thậm chí chưa bằng chi phí bao bì và vận chuyển. Tờ Borsen hôm thứ Ba tuần trước viết: "22% người Đan Mạch đã mua sắm trên Temu trong nửa đầu năm nay". Bài báo đề xuất, Đan Mạch và các nước châu Âu phải "sớm tạo lập một cơ chế, kết nối cơ quan thực thi pháp luật, đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội người tiêu dùng, để có thể nhanh chóng hiểu bản chất và tìm giải pháp" đối phó. Bởi vì, theo bài báo, bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một yếu tố, "cạnh tranh không lành mạnh gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp Đan Mạch, đồng nghĩa với phá sản và thất nghiệp". Những món hàng nhập khẩu siêu rẻ chỉ bằng ly cà phê cần phải chịu thuế và tuân thủ tiêu chuẩn như mọi sản phẩm khác thì mới bảo vệ được sản xuất và thương mại trong nước.

Dựng hàng rào với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử? - Ảnh 2.

Sàn thương mại điện tử Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam

Dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa giá rẻ

Sự tấn công ồ ạt của hàng hoá giá rẻ cũng là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước, nhiều nước đã tăng cường "dựng hàng rào" với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử.

Giá hàng hóa cực thấp và giao hàng nhanh là những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng bùng nổ của việc mua hàng giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử.

Cùng một sản phẩm, có hình ảnh quảng cáo giống hệt nhau trên các trang web tại Hàn Quốc và nước ngoài giá khác nhau. Giá tại Hàn Quốc là 10 USD, bao gồm cả phí vận chuyển. Nhưng mua hàng trên nền tảng AliExpress, giá chỉ bằng một nửa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước của Hàn Quốc đối mặt với nhiều khó khăn do không đủ khả năng cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử do họ phải chi trả nhiều khoản như thuế quan hay thuế giá trị gia tăng.

Ông Shin Sun-Gyo - Doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ý kiến: "Doanh số bán hàng đã giảm mạnh khoảng 10-20% hiện nay. Chúng có thể giảm tới 40%".

Thiết lập hàng rào với hàng hoá giá rẻ, đặc biệt là những mặt hàng được bán thông qua các nền tảng thương mại điện tử đang là cách được nhiều nước áp dụng để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các quy định đối với các nền tảng của nước ngoài như đối với các nền tảng trong nước, đồng thời, sẽ có các biện pháp giúp các doanh nghiệp nền tảng địa phương và các nhà cung cấp nhỏ tăng cường khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, Indonesia mới đây đã yêu cầu Apple và Google chặn một số nền tảng thương mại điện tử bán hàng giá rẻ để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Tháng 1 năm nay, Malaysia đã áp dụng thuế 10% đối với hàng hóa nước ngoài trực tuyến với giá dưới 108 USD, trong khi đó, trước đây, chỉ những sản phẩm đắt tiền mới bị quốc gia này áp thuế. Và mới đây, Thái Lan cũng đã mở rộng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các mặt hàng quốc tế có giá trị dưới 42 USD.

Bảo vệ người mua hàng trên sàn thương mại điện tử

Tại nước ta, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, sàn thương mại điện tử Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định: "Chúng tôi cũng đã chủ động xây dựng một báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành một công điện để tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó, tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như đề xuất sửa đổi Quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu, lưu thông thông qua các sàn thương mại điện tử mà chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử".

Rõ ràng, Việt Nam khuyến khích thương mại điện tử, không bài trừ hay tẩy chay bất cứ sàn thương mại điện tử nước ngoài nào. Nhưng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp nội địa cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước