Một trong 2 dự án đường sắt đô thị "đình đám" trên địa bàn thủ đô là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã thi công kéo dài trong suốt nhiều năm qua, nay lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ khi đoạn ngầm đã bị nhà thầu nước ngoài dừng thi công. Vướng mắc nằm ở việc thiếu mặt bằng sạch để tiếp tục xây dựng. Đây cũng là bài toán nan giải hầu hết các dự án đầu tư công trên cả nước đều gặp phải và rất cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Phần thi công ngầm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã phải dừng thi công hơn 2 tháng nay. Theo đại diện ban quản lý đường sắt Hà Nội, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhà thầu nước ngoài dừng thi công đó là còn khoảng 1% mặt bằng chưa được giải phóng. Dự kiến ít nhất khoảng 2 tháng tới mới có thể có mặt bằng để quay trở lại thi công.
Phần ngầm của dự án Nhổn - ga Hà Nội dài 4km từ ga S9 (Kim Mã) đến S12 (ga Hà Nội). Để thi công hạng mục đào ngầm, nhà thầu phải có đủ mặt bằng sạch để thiết bị máy tiến hành đào liên tục. Dù phần mặt bằng bị vướng còn rất nhỏ, nhưng lại kéo theo cả công trình lớn phải "nằm" im.
Các hạng mục của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ. (Ảnh: Dân trí)
"Đối với các ga trong nội thành Hà Nội, nội đô cũng gặp nhiều khó khăn vì các ga ngầm và hướng tuyến ngầm đi qua các khu dân cư đông đúc. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận để giải quyết dứt điểm các tòa nhà hiện tại đang vướng về công tác giải phóng mặt bằng", Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết.
Mặt bằng được xem là vướng mắc cố hữu tại hầu hết các dự án giao thông hiện nay, trong đó có các dự án đầu tư công, dù có vốn nhưng vướng mặt bằng nên không thể giải ngân. Đây cũng là chủ đề nóng được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại tổ. Một số đại biểu cho rằng cần tách việc giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả công trình.
"Riêng giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng là phương án quá đúng. Chúng ta phải nhanh chóng sửa luật, chúng ta không thể cứ đứng nhìn một cái tình trạng chậm triển khai trong suốt thời gian dài như vậy", ông Trần Văn Khải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, nhận định.
"Nếu chúng ta tách được phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thì điều đó có nghĩa là chúng ta giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Nếu theo đúng quy hoạch được phê duyệt thì chúng ta lại khai thác được quỹ đất hai bên đường để làm đường thì ngân sách nhà nước có khi lại không phải bỏ ra, mà lợi ích của Nhà nước vẫn được đảm bảo", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn lấy ý kiến các bộ ngành địa phương về việc xây dựng đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!