Đường sắt Việt Nam đã có từ hơn 100 năm nay nhưng hiện nay khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách rất hạn chế.
Có những tuyến đường sắt được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn không cải thiện được khả năng vận chuyển. Tuyến Yên Viên - Lào Cai là một ví dụ.
Được đầu tư nâng cấp với số tiền 3.500 tỷ đồng và thông tuyến từ 4 năm nay nhưng vẫn vắng khách, chi phí vận chuyển hàng hóa vẫn cao.
Hàng chục nghìn tấn nguyên vật liệu xuất khẩu mỗi ngày đều phải bốc xếp hoặc chuyển tải sang toa tàu liên vận theo cách thủ công. Rất ít toa tàu đạt chuẩn tàu liên vận quốc tế nên hàng hóa dù có nguyên kiện hay là hàng rời, cứ đến ga Lào Cai là phải mất thêm công xếp dỡ chuyển tàu, kéo theo nhiều thủ tục hải quan phức tạp.
Mất thêm chi phí, mất thêm thời gian, nhiều chủ hàng còn thường xuyên mất đối tác bởi năng lực vận chuyển hạn chế. Phía bên nước bạn sử dụng khổ ray 1,435m, còn đường sắt của Việt Nam bao năm vẫn là khổ 1m.
Còn tại ga Lào Cai, cả ngày không một bóng hành khách. Trước khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, mỗi ngày, ga Lào Cai có 6-7 đôi tàu, mỗi đôi tàu có tới 15 toa khách. Nhưng 4 năm nay, mỗi ngày ga chỉ còn 1-2 đôi tàu với 10 toa khách.
Nhu cầu vận chuyển đường sắt mỗi năm tăng 12% nhưng hiện chỉ đáp ứng chưa tới 1%. Nếu không nâng cấp đường ray, vận tải đường sắt sẽ vẫn ì ạch khó phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!