Những mô hình đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên 300km/h đã được xây dựng và phát huy hiệu quả ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… Kinh nghiệm cho thấy việc phát triển hệ thống ĐSTĐC sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn, từ, kinh tế, xã hội, môi trường, tái cấu trúc đô thị, tăng cường kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng….
"Đầu tàu" hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Quốc
Vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không có ĐSTĐC. Những chuyến tàu chậm chạp chạy khắp đất nước rộng lớn khiến những hành trình như Thượng Hải-Bắc Kinh trở thành bài kiểm tra về độ nhẫn nại. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã có mạng lưới ĐSTĐC lớn nhất thế giới. Tốc độ vận hành nhanh nhất của tàu cao tốc Trung Quốc là 350 km/h, đây cũng là tốc độ vận hành đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, nổi tiếng nhất là hệ thống tàu CR400 Fuxing.
Trung Quốc nghiên cứu xây dựng hệ thống ĐSTĐC từ đầu những năm 1990, và bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc với tốc độ chóng mặt kể từ năm 2007. Từ tháng 8/2008, tuyến đường sắt Bắc Kinh-Thiên Tân cao tốc đầu tiên của Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Kể từ thời điểm đó Trung Quốc chính thức bước vào thời đại đường sắt cao tốc. 16 năm qua, mạng lưới này đã vươn tới mọi đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Trung Quốc.
Hiện nay, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có quãng đường vận hành dài nhất trên thế giới, vượt 46.000 km, chiếm hơn 70% tổng số chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. Trong đó, số km khai thác đường sắt cao tốc với tốc độ 300-350 km/h là 20.000 km (chiếm 43%), số km khai thác của đường sắt cao tốc với tốc độ 200-250 km/giờ là 26.000 km (chiếm 57%).
Trong hơn 100 tuyến đường sắt cao tốc tại Trung Quốc, tuyến đường sắt nối liền hai thành phố lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh - Thượng Hải là tuyến ĐSTĐC có mức đầu tư lớn nhất và cũng là tuyến có thể tạo ra giá trị kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.
Tháng 6/2011, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải với tổng vốn đầu tư 220,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 31,5 tỷ USD) chính thức thông xe vận hành. Tuyến đường sắt này đi qua 7 tỉnh thành ở miền Đông Trung Quốc với tổng chiều dài 1.318 km, toàn tuyến sử dụng đoàn tàu tự hành với tốc độ cao nhất lên đến 380 km, là tuyến đường sắt cao tốc có tiêu chuẩn công nghệ cao nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải là dự án xây dựng có quy mô đầu tư lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thời kỳ đầu của dự án, tỷ số nợ trên tài sản của tuyến đường sắt này có lúc hơn 60%, áp lực bồi thường hết sức lớn. Khi đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, đến bao giờ tuyến đường sắt này mới có thể thu lại vốn và có lãi.
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu thông xe, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải chỉ mất thời gian 3 năm đã có thể thu lợi nhuận, 10 năm đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư. Năm 2023, tổng tài sản của tuyến đường sắt này là 292,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,6 tỷ USD), lợi nhuận ròng hàng năm là 11,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ USD).
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng có tốc độ vận hành thương mại nhanh nhất thế giới. Hiện tại, trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, Bắc Kinh-Thiên Tân, Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu và các tuyến khác, tàu cao tốc Phục Hưng đã đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được tốc độ vận hành thương mại đường sắt cao tốc 350 km/h.
Kể từ khi thông xe đến nay, tần suất cao nhất của các đoàn tàu vận hành có thể lên đến 200 cặp/ngày, vào lúc cao điểm, thời gian đoàn tàu xuất phát chỉ cách nhau 4 phút, cũng gần giống khoảng cách thời gian xuất phát của tàu điện ngầm.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện có mức độ bao phủ mạng lưới cũng cao nhất trên thế giới. Từ rừng sâu tới bờ biển, đường sắt cao tốc của Trung Quốc băng qua biển, qua núi, qua sông, tỏa đi mọi hướng, đã bao phủ 96% các thành phố có dân số hơn 500.000 người trên khắp Trung Quốc. Đi tàu cao tốc đã trở thành phương thức đi lại thường được sử dụng nhất của người dân, đặc biệt là trong cao điểm dịp nghỉ lễ, đường sắt cao tốc thực sự là rất khó mua được vé. Theo quy hoạch, đến năm 2035, tổng chiều dài vận hành trong mạng lưới đường sắt Trung Quốc sẽ lên đến khoảng 200.000 km, trong đó có khoảng 70.000 km đường sắt cao tốc.
Bí quyết thu được lợi nhuận của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải nằm ở chỗ nó đã kết nối hai khu kinh tế cốt lõi lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và châu thổ sông Trường Giang, hai khu vực thành phố lớn này có lượng dân số tập trung, kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại khá lớn.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, điều này chủ yếu được phản ánh trong bốn khía cạnh: rút ngắn đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân; tăng cường kết nối liên khu vực và thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực; thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề dọc theo tuyến đường, đặc biệt là kinh tế du lịch; làm tăn hiệu quả hoạt động của toàn xã hội cao hơn, tổ chức lại các yếu tố sản xuất thuận tiện hơn, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cho biết, những thành công trên của ngành đường sắt nước này là nhờ việc tập hợp được các nguồn lực vượt trội của các doanh nghiệp xương sống, trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị khác, cũng như khả năng quản lý mạng lưới đường sắt, cùng với việc duy trì sự ổn định và liên tục của quy hoạch đường sắt... Trong thời gian tới, mạng lưới đường sắt của Trung Quốc, đặc biệt là đường sắt cao tốc, sẽ tiếp tục là "đầu tàu" phục vụ và hỗ trợ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, củng cố và phát triển hơn nữa lợi thế hàng đầu thế giới của đường sắt Trung Quốc, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của đường sắt thế giới.
Pháp: Đường sắt tốc độ cao đóng góp 1,5% GDP hàng năm
Hệ thống Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp từ lâu đã là thương hiệu nổi tiếng nhất trong số các hệ thống đường sắt cao tốc vì nó an toàn, nhanh và tiện lợi, với tốc độ tối đa trung bình của TGV là 320 km/h.
Pháp bắt đầu phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc vào năm 1964 tuy nhiên phải đến năm 1981, tàu cao tốc TGV của Pháp nối Paris và Lyon mới chính thức hoạt động.
Khi đi vào vận hành, mạng lưới TGV của Pháp đã thành công ngoài sức tưởng tượng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn của đất nước, đưa việc đi lại tốc độ cao trở nên dễ dàng với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận đối với những người đi lại thường xuyên.
TGV đã trở thành một điểm nhấn nổi bật trong giao thông vận tải và lịch sử đường sắt thế giới khi trở thành hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Âu. TGV còn trở thành đối thủ "đáng gờm" của hệ thống tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản khi xác lập kỷ lục "Tàu chạy trên ray nhanh nhất thế giới" vào năm 1990, đạt tốc độ 515,3km/h.
Theo báo cáo của công ty đường sắt quốc gia Pháp, hàng năm tàu TGV đã chuyên chở hơn 2 tỉ hành khách, đóng góp khoảng 1,5% vào GDP của nước Pháp. TGV cũng thúc đẩy kết nối giữa các đô thị lớn và thành phố nhỏ, nhờ thế tăng năng suất kinh tế khoảng 5 - 10% cho các đô thị kết nối, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, giáo dục và đưa đến cơ hội cho ngành du lịch.
Đến nay, mạng lưới này đã mở rộng thêm nhiều tuyến tới Paris để đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể dễ dàng di chuyển đến thủ đô. Điều đó giải thích tại sao dịch vụ này lại có thể thu hút 100 triệu hành khách một năm.
Và cũng giống như Nhật Bản, hiện Pháp đã xuất khẩu thành công công nghệ đường sắt cao tốc này sang các quốc gia khác, bao gồm mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất châu Âu tại Tây Ban Nha, cũng như Bỉ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Phi tại Morocco.
Nga: "Siêu dự án" ĐSTĐC mở đường cho kỷ nguyên mới
Nga đã chính thức khởi công xây dựng tuyến ĐSTĐC nối hai thành phố Moscow và Saint Petersburg với tốc độ thiết kế lên tới 400 km/h. Một siêu dự án được báo Nga xem là sự mở đường cho kỷ nguyên phát triển mới của nước Nga. 2,2 nghìn tỷ Ruble (gần 24 tỷ USD) là tổng số vốn đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của nước Nga đã được công bố. Con số trên là số tiền khổng lồ, nhất là trong bối cảnh Moscow đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhưng Chính phủ Nga vẫn quyết tâm thực hiện dự án, bởi lợi ích to lớn mà nó mang lại cho nền kinh tế.
Theo tờ Kommersant, tổng vốn đầu tư vào đường cao tốc với hơn 2 nghìn tỷ Ruble, được sử dụng để tổ chức cơ sở hạ tầng, cung cấp tàu cao tốc và tạo ra hệ thống kiểm soát đầu máy toa xe. Trong đó, 610 tỷ Ruble, tức là 1/3 số tiền này sẽ được phân bổ từ ngân sách liên bang.
Từ ý tưởng đến xây dựng, theo tờ Vedomosti của St. Petersburg, tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2028, sẽ vận chuyển 23 triệu hành khách mỗi năm. Dự án cũng giúp tăng năng lực và tốc độ vận chuyển hàng hóa, cho phép đường sắt Nga tăng khối lượng hàng hóa thêm 30 triệu tấn từ 18 khu vực lân cận.
Theo báo Nga Rossiyskaya Gazeta, đường sắt tốc độ cao sẽ là bước đột phá với công nghệ và thiết bị mới của Nga, thúc đẩy sự phát triển của khu vực và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, việc xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại lợi ích gấp nhiều lần số tiền đầu tư.
Theo chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2030, mạng lưới đường sắt tốc độ cao ở Nga sẽ tiêu tốn gần 11 nghìn tỷ Ruble (khoảng 121 tỷ USD). Nhưng bù lại, gần 4.400 km đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tăng doanh thu ngân sách và GDP của nước này thêm hàng trăm tỷ USD.
Đường sắt tốc độ cao là khát khao mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng mất cân đối của thị trường vận tải, mà còn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới, hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng đường sắt cao tốc cần nhiều sự chuẩn bị và nhiều điều kiện để có thể phát huy hiệu quả tối ưu
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!