Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay của ECB theo lộ trình định trước, trong lúc tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại và lạm phát tuy vẫn giữ ở mức thấp nhưng vẫn chưa về tới mức mục tiêu 2%.
Lãi suất cơ bản đồng Euro giảm từ mức 3,75% xuống còn 3,5%. Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục lộ trình nới lỏng tiền tệ bắt đầu từ tháng 6, một cách rất thận trọng.
Trong bài phát biểu chiều 12/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu nhấn mạnh, lạm phát không còn là vấn đề cấp bách nữa, mà thâm hụt ngân sách mới đang nổi lên như là nguy cơ lớn nhất. Bà Christine Lagarde kêu gọi chính phủ các nước sử dụng đồng tiền chung Euro phải hành động lập tức nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách, giảm chi tiêu công và tìm cách tăng nguồn thu.
Dự báo tăng trưởng kinh tế tính chung cả khối đã được điều chỉnh theo hướng bi quan hơn cho tới tận năm 2026. Tỷ lệ lạm phát trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro 2,5%, đã rất gần với mức mục tiêu 2%, nhưng vẫn chưa về được mức mục tiêu. Hai lần hạ lãi suất cơ bản dẫn tới hệ quả ra sao đối với lạm phát sẽ được xem xét và quyết định trong cuộc họp thường kỳ lần tới.
Chủ tịch ECB nhận định về lạm phát Eurozone
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, miền Tây Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Như vậy, lần cắt lãi suất này vẫn nằm trong một lộ trình được định sẵn và đặc biệt là mức cắt giảm cũng vẫn không có gì bất ngờ. Liệu trong cuộc họp tháng 10 ngân hàng trung ương này có kế hoạch hạ lãi suất tiếp không?
Trong buổi họp báo được tổ chức ngay tối 12/9 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde đã nhận được nhiều câu hỏi về những quyết định lãi suất trong tương lai gần.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB nói: "Vâng, tương lai - Tôi muốn trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Tây Ban Nha - "que sera, sera", tức là điều gì đến sẽ đến, vì chúng tôi đã liên tục nói và chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng chúng tôi sẽ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và điều đó đặc biệt hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế lúc này không có gì chắc chắn cả".
"Theo các chỉ số khảo sát, quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn đang tiếp tục đối mặt với một số trở ngại. Chúng tôi kỳ vọng quá trình phục hồi sẽ mạnh lên theo thời gian khi thu nhập thực tế tăng cho phép các hộ gia đình tiêu dùng nhiều hơn. Các tác động dần dần mờ nhạt của chính sách tiền tệ hạn chế sẽ hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư. Xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình phục hồi khi nhu cầu toàn cầu tăng lên", bà Christine Lagarde cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!