EU cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/06/2023 14:03 GMT+7

VTV.vn - Là nước xuất khẩu nông sản vào châu Âu, nhiều nông sản Việt nam sẽ nằm trong danh sách phải điều chỉnh để thích ứng với quy định mới của EU.

EU ra quy định liên quan đến luật chống phá rừng

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng. Đây có thể nói là một quyết định mang tính lịch sử, là động thái nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ; đồng thời ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi. Quyết định này cũng thể hiện bước đi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của châu Âu.

Các quy tắc mới này nhằm loại bỏ những yếu tố liên quan nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng một loạt mặt hàng tiêu dùng hàng ngày bán ở châu Âu. 

Ông Christophe Hansen - Thành viên Nghị viện châu Âu cho biết: "Đây là một luật mang tính đột phá và là công cụ rất quan trọng để chống lại nạn phá rừng toàn cầu vì Liên minh châu Âu liên quan đến khoảng 10% diện tích đất rừng bị chặt phá trên khắp hành tinh. Không phải chúng ta phá rừng ở châu Âu mà thông qua việc tiêu dùng của chúng ta. Chúng ta đang nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như dầu cọ, ca cao, đậu nành… gia súc và những sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng đang diễn ra. Chúng tôi hy vọng rằng các nền kinh tế và quốc gia khác trên thế giới sẽ đi theo con đường của chúng tôi, có những luật tương tự".

EU cho rằng nếu không có quy định mới, mỗi năm sẽ có 248 nghìn ha rừng bị phá hủy, tương đương với diện tích của Luxembourg. Các khu rừng trên khắp thế giới đang ngày càng bị đe dọa do tình trạng chặt phá rừng để lấy gỗ và làm nông nghiệp.

EU cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng - Ảnh 1.

EU vừa qua đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng. (Ảnh minh họa: Reuters)

Nông sản Việt xuất khẩu phải điều chỉnh theo luật mới của EU

Là nước xuất khẩu nông sản vào châu Âu, nhiều nông sản Việt Nam sẽ nằm trong danh sách phải điều chỉnh để thích ứng với quy định mới.

EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn của nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU nằm trong danh mục các sản phẩm được điều chỉnh theo luật mới của EU đó là cà phê, hạt điều, cao su.

Việc thông qua luật mới này là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới xây dựng thương hiệu theo hướng trách nhiệm, minh bạch.

Ở chiều hướng tích cực, các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định mới của EU cũng là cơ hội để gia tăng thị phần. Bởi quy định của EU là cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng, gây suy thoái rừng từ sau ngày 31/12/2020, mà theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam đã thực hiện chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2014. Tuy nhiên, việc hiểu đúng về quy định này sẽ là cần thiết để chúng ta đi đường dài.

Lưu ý khi EU cấm các sản phẩm liên quan phá rừng

Nghị viện châu Âu định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất, chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè... đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam có nguy cơ bị liệt vào khái niệm suy thoái rừng.

Theo luật mới, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: Gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa hay được nuôi và được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô như thức ăn gia cầm gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.

Có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật mới.

EU cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng - Ảnh 2.

Ngành cà phê sẽ chịu tác động từ quy định hàng hóa không gây mất rừng của EU. Ảnh minh họa.

Lý do khiến Liên minh châu Âu quyết tâm đưa ra luật mới

Tại nhiều quốc gia nông nghiệp được xác định là nguyên nhân chính của nạn phá rừng, trong đó chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu, còn 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt.

Nhiều năm qua Liên minh châu Âu đã và đang ưu tiên phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc phát thải khí CO2 và tạo ra nông sản có lợi cho sức khỏe con người. Các nhà sản xuất châu Âu đã áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu này dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, khiến nông sản được sản xuất ở các nước châu Âu có giá cao hơn.

Bởi vậy, quy định mới còn được cho là giúp các nhà sản xuất và nông sản châu Âu có môi trường cạnh tranh công bằng với nông sản từ các nước khác tại thị trường châu Âu. Quy định cũng ngăn khả năng các nhà sản xuất châu Âu chuyển hoạt động sang các nước thứ ba và xuất ngược sản phẩm trở lại châu Âu.

Thị trường EU đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng đã đăng công báo sửa đổi quy định về việc áp dụng tạm thời, các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Cụ thể, đối với Việt Nam, ớt tiếp tục nằm trong danh mục có tần suất kiểm tra chất lượng là 50%. Đậu bắp với yêu cầu kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm với tần suất kiểm tra là 20%.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước