Mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook vừa trải qua một tuần khắc nghiệt khi liên tục gặp các sự cố. Những sự việc này đã khiến hãng mất đi hàng tỷ USD chỉ trong 1 tuần. Nhưng sự mất mát đó, theo báo chí Mỹ không là gì so với số tiền mà hãng đã thu được từ chính những người dùng lâu nay.
Chuyện Facebook tạm ngừng hoạt động tuần trước khiến không ít người dùng thú nhận họ thực sự không biết làm gì và quá phụ thuộc vào mạng xã hội. Nhưng họ không phải là người có lỗi hoàn toàn trong chuyện này. Những tiết lộ của cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook trong tuần qua cho ta thấy rõ hơn mặt khác của mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng.
Một nhà báo của Marketwatch viết: "Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh "đơ" 6 giờ, cùng với nó là WhatsApp và Instagram. Cả thế giới há hốc mồm, quay sang Twitter để trút giận. Có người thấy thế lại tự do hơn nhưng hầu hết muốn nó nhanh trở lại. Sự cố của Facebook cho thấy chúng ta đang phụ thuộc vào nó thế nào và các kiểu buôn bán nhỏ lẻ phụ thuộc vào nguồn thu từ Facebook ra sao?".
Tờ Bưu điện Washington viết: "Facebook mất điện toàn cầu không phải vì hack mà là những câu hỏi chính trị lớn ẩn sau nó. Giống như Google, các công ty công nghệ lớn đang sở hữu riêng một hệ thống từ dây cáp, thiết bị chuyển mạch, máy chủ… đến cả hệ thống điều hòa không khí mà người ngoài hệ thống không thể chạm tới.
Chính hệ thống phức tạp này đã làm Facebook bị "sập nguồn" và nó cho thấy các kỹ sư của Facebook thậm chí đã mất quyền truy cập nhiều công cụ để khôi phục lại dịch vụ…"
Facebook đặt lợi nhuận lên trước người dùng?. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.
Không thể phủ nhận, Facebook hay mạng xã hội đang mang lại thêm lựa chọn cho con người trong việc kết nối, nắm bắt thông tin. Nhưng hơn 1/4 dân số thế giới đang cung cấp thông tin cá nhân, đọc tin, xem video từ những người dùng khác mà ngay cả Facebook cũng chưa kiểm soát hết lại là một vấn đề khác.
Tuần vừa qua, Frances Haugen - cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook đã cho thế giới thấy một kho tài liệu về mặt trái của mạng xã hội. Cô đã nói trước các nhà làm luật Mỹ rằng: "Facebook đã đặt lợi nhuận khủng khiếp của họ lên trước con người".
Bài báo cho rằng đây là điều không hề bất ngờ. Facebook là công ty đã niêm yết, vì thế phải tìm cách tối đa hoá lợi nhuận cho các cổ đông. Nó được ví như "rượu chú ý", nghĩa là sản phẩm vui nhưng gây nghiện và "không lành mạnh với liều lượng lớn". Nó còn mang ngụ ý là Facebook giống như các nhà sản xuất rượu, bia Mỹ, luôn đặt lợi nhuận cao hơn con người.
CNBC công bố số tiền mà các công ty mạng xã hội kiếm được từ 1 người dùng trong 1 năm. Facebook đứng đầu với 7,89 USD/người (180.000 đồng). 7,89 USD nhân với 2,8 tỷ người dùng sẽ ra con số cuối cùng Facebook thu về. 99% doanh thu này là từ nguồn quảng cáo, nhằm thẳng tới từng người dùng.
Khi số người dùng mới không tăng hoặc giảm, sức ép doanh thu sẽ đè lên vai những người dùng hiện tại. Nghĩa là sẽ phải có cách để người dùng hiện tại ở lại lâu hơn trên mạng xã hội, đọc nhiều hơn, xem nhiều hơn, tin nhiều hơn và tương tác nhiều hơn…
Facebook vừa tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ người dùng từ những nội dung xấu. Ở cách hiểu khác của những người phản biện đó là nâng cấp sản phẩm để tiếp tục kéo người dùng ở lại thế giới ảo lâu hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!