FED nhấn mạnh các yếu tố như nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thị trường việc làm sôi động đã khiến FED đưa ra quyết định này.
Lần tăng lãi suất này của FED được cho là không bất ngờ nhưng có 2 lý do mà vẫn có những ý kiến cho rằng FED sẽ phải cân nhắc là lạm phát chững lại và nợ chính phủ. Nếu FED tăng lãi suất, nợ chính phủ sẽ tăng nhanh hơn thời hạn Quốc hội có thể phê duyệt khoản chi mới.
Lạm phát và việc làm là hai yếu tố luôn được FED đặt lên bàn cân trước khi đưa ra quyết định lãi suất. Nhưng qua việc tăng lãi suất lần này có thể thấy với FED, việc làm vẫn là yếu tố then chốt.
Lạm phát vốn phụ thuộc nhiều vào sức tiêu dùng của người dân có thấp đi cũng là dễ hiểu bởi đã qua những quý cuối năm khi người dân đẩy mạnh chi tiêu, giờ là thời điểm chi tiêu bình thường trong năm. Hơn nữa, nếu có việc làm, người dân không sớm thì muộn cũng dốc hầu bao chi tiêu nhiều hơn.
Còn nỗi lo Chính phủ Mỹ cạn tiền chi tiêu vốn không phải là mối quan tâm của FED và bà Chủ tịch Yellen. FED hoạt động độc lập theo thị trường, còn Bà Yellen lại là người được chọn dưới thời ông Obama.
Theo một số chuyên gia, mức tăng lãi suất như vậy của FED là thấp và đã được dự đoán từ trước nên sẽ ít gây biến động tới thị trường toàn cầu, có chăng sẽ là những tác động tới kinh tế Mỹ nhưng ở phạm vi hẹp ví dụ như những người nợ thẻ tín dụng - những khoản vay ngắn hạn, còn các khoản dài hạn thường không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là cùng với việc tăng lãi suất, sắp tới FED sẽ bán ra các cổ phiếu nắm giữ của các công ty từ thời khủng hoảng. Đây là biện pháp trước kia đã được FED dùng để bơm tiền cứu trợ cho các công ty. Số tài sản này nằm trong khoảng 4.500 tỷ USD. Tất nhiên, việc bán ra sẽ được cân nhắc ở lượng phù hợp nhưng vẫn có thể tạo ra biến động nhất định cho thị trường tài chính Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!