FED có thể chuyển hướng sau bước đi của OPEC+

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 05/04/2023 13:03 GMT+7

VTV.vn - Bước đi mới của nhóm OPEC+ đang gián tiếp ảnh hưởng tới các kế hoạch kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

"Bất ngờ, bất thường" là những từ báo chí Mỹ nói về bước đi của nhóm OPEC+ sau khi đưa ra quyết định sẽ cắt giảm sản lượng trong thời gian tới. Đây cũng là yếu tố Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không lường trước được.

Trang Marketwatch trích tuyên bố của Bộ Năng lượng Saudi Arabia và của Ủy ban Bộ trưởng OPEC+ rằng việc cắt giảm là "biện pháp phòng ngừa với mục đích hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu".

Trong khi đó, một số nhà bình luận cho rằng biện pháp bất ngờ này được đưa ra vì bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ. Bà Granholm tuần trước nói rằng Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để lấp đầy lại kho dầu dự trữ chiến lược và Mỹ sẽ bắt đầu mua dầu thô để phục vụ việc này từ cuối năm nay.

Theo Bloomberg, kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm một nửa trong 2 năm qua xuống chỉ còn 371 triệu thùng. Dù Mỹ đang ưu tiên việc bơm dầu trở lại, nhưng gặp khó khăn khi phải bảo dưỡng 2 trong số 4 kho chứa. Còn Bộ trưởng Năng lượng cho biết thêm, họ không thể vừa mở van dầu vừa bơm thêm vào kho cùng một lúc. Giải pháp lúc này là buộc phải tạo sức ép tăng sản lượng lên các nhà sản xuất trong nước.

FED có thể chuyển hướng sau bước đi của OPEC+ - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ cũng đang rơi vào thế khó. Giá dầu, xăng tăng buộc FED phải tăng lãi suất để kiềm chế. Tuy nhiên lãi suất càng cao càng khiến các nhà sản xuất ngại đi vay để tái khởi động các giếng dầu.

Một bài báo khác của Bloomberg trích lời chuyên gia bình: "OPEC muốn giá dầu cao hơn và họ là người cầm lái thị trường hiện nay". Còn các nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng đã "ngợp" trong lợi nhuận tiền mặt khi giá dầu tăng trở lại mấy năm gần đây. Vì vậy, OPEC và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang cùng một "chí hướng" xét ở góc độ kiềm nguồn cung và mong muốn giá tăng cao.

Trang Barron's bình: "OPEC làm cho việc của FED trở nên khó khăn hơn". Động thái của OPEC+ đã khiến FED nhận ra rằng trong cuộc chiến chống lạm phát có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Goldman Sachs phân tích với động thái của OPEC+, giá dầu có thể tăng lên 95 USD/thùng, nghĩa là cao hơn mức hiện tại khoảng 10 USD. Mức giá này sẽ buộc FED phải giữ lãi suất ở mức cao hơn và trong thời gian lâu hơn.

Cũng ngay sau động thái cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+, thị trường đã thay đổi hoàn toàn dự báo về động thái tiếp theo của FED. Thay vì cho rằng FED sẽ giữ nguyên các mức lãi suất trong cuộc họp vào tháng 5 tới, họ cho rằng nhiều khả năng FED sẽ phải tiếp tục tăng thêm 0,25 điểm %. Tất nhiên, trong một tháng tới sẽ còn nhiều điều có thể diễn ra.

Chu kỳ tăng lãi suất của FED liệu đang đi đến hồi kết? Chu kỳ tăng lãi suất của FED liệu đang đi đến hồi kết?

VTV.vn - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 22/3 đã quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Liệu chu kỳ tăng lãi suất của FED liệu có đang đi đến hồi kết?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước