Fed dự kiến giữ nguyên lãi suất
Các hợp đồng liên quan đến lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy, các nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ được cắt giảm tại cuộc họp ngày 17-18/9, với sự bất đồng duy nhất về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách với mức cắt giảm 0,25 điểm phần trăm như hầu hết mọi người mong đợi hay mức cắt giảm mạnh hơn là 0,5 điểm phần trăm, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Cục Dự trữ Liên bang đã duy trì lãi suất chính sách trong khoảng 5,25% - 5,50% trong năm qua.
Việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản có thể đòi hỏi bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại nhanh hơn dự kiến và gây nguy cơ cho tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức thấp là 4,1%.
Trong suốt hơn hai năm Fed chiến đấu để kiềm chế lạm phát, bao gồm cả đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn và hoạt động tốt hơn mong đợi - và dữ liệu gần đây nhất cho thấy điều đó vẫn đang tiếp tục.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington
Nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn xu hướng là 2,8% hằng năm trong quý II. Dữ liệu việc làm và tuyển dụng công bố chiều 30/7 cho thấy, thị trường việc làm vẫn tiếp tục phục hồi, với số lượng vị trí tuyển dụng vẫn ở mức trên 8 triệu.
Tỷ lệ sa thải cũng giảm. Tỷ lệ người lao động nghỉ việc và tỷ lệ người thất nghiệp so với các vị trí tuyển dụng, hiện ở mức 1,2, đều gần bằng mức trước đại dịch COVID-19, một thực tế khiến các quan chức Fed coi cung và cầu lao động trong nền kinh tế là khá cân bằng.
Chỉ số chi phí việc làm, một thước đo hàng quý bao gồm tiền lương và phúc lợi, tăng 0,9% trong quý II, thấp hơn mức tăng 1% mà các nhà kinh tế dự kiến trong cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số này có thể sẽ làm tăng thêm cảm nhận của các quan chức Fed rằng thị trường việc làm và tiền lương tăng sẽ không thúc đẩy giá cả tăng mới.
Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics tại Mỹ cho biết: Thị trường lao động đã hạ nhiệt trong vài tháng qua nhưng không yếu. Đó là kịch bản mà Cục Dự trữ Liên bang muốn đề phòng, và chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9".
Tuy nhiên, Tim Duy, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại SGH Macro Advisors cho biết, Fed không tin rằng họ cần phải vội vàng và cắt giảm lãi suất ngay bây giờ, . Sau báo cáo ban đầu mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế quý II, dữ liệu vẫn phù hợp với hoạt động bình thường hóa thay vì chậm lại mạnh hơn. Việc cắt giảm lãi suất tại thời điểm này vẫn mang tính phòng ngừa với mục tiêu ổn định hoạt động ở tốc độ gần xu hướng hiện tại.
Nếu Fed giữ nguyên lãi suất, kinh tế Mỹ ra sao?
Thực tế cho thấy, Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ nhằm phần nào làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục của 40 năm vào năm 2022. Lạm phát của Mỹ hiện vẫn còn cao hơn một chút so với mức mục tiêu.
Bên cạnh đó, ền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với các nước khác trên thế giới bất chấp việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023. Điều này là nhờ sự hỗ trợ từ thị trường lao động "kiên cường", ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất 2 năm rưỡi là 4,1%.
Do đó, giữ lãi suất ở mức cao này lâu hơn nữa với hy vọng sẽ giúp giảm lạm phát thêm có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế nhiều hơn.
Theo các nhà phân tích, xét về thị trường lao động Mỹ, số việc làm tạo mới đang tăng trưởng yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng dần và một số ngành đang sa thải nhiều người lao động hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng đã báo hiệu sự mong muốn chi tiêu yếu hơn trong những tháng gần đây. Nếu tất cả những điều đó tiếp tục, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy yếu đáng kể hơn.
Hơn thế nữa, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE - Chỉ số giá PCE lõi là một trong những thước đo lạm phát được Fed theo dõi cho mục tiêu lạm phát 2% của mình), không tính các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 2,9% trong quý II/2024, sau khi tăng vọt ở mức 3,7% trong quý đầu tiên.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý II năm nay, vượt quá dự kiến của các nhà kinh tế. Dù tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục thuê trên 100.000 người lao động mỗi tháng. Người tiêu dùng đang chi tiêu thận trọng hơn, nhưng hầu bao của họ không bị cạn kiệt.
Từ bối cảnh đó, nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global khẳng định vẫn duy trì dự báo trước đó của mình rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế, các quan chức Fed đã báo hiệu rằng tháng 9 sẽ là thời điểm họ có thể hạ lãi suất.
Giống như thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, sự khác biệt về thời điểm cho lần cắt giảm ban đầu thực sự không quan trọng trừ khi có một cú sốc lớn nào đó xảy ra đối với nền kinh tế trong thời gian đó. Ví dụ, nếu Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7 này và xung đột ở Trung Đông leo thang khiến giá năng lượng tăng vọt, Fed có thể sẽ phải "hối tiếc" vì đã nới lỏng chính sách tiền tệ vì nó có thể khiến lạm phát tăng cao hơn. Song ông Waller thừa nhận rằng thời điểm rất quan trọng đối với các nhà đầu tư đặt cược vào những động thái tiếp theo của Fed./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!