Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6 liên tiếp

Thùy An-Thứ năm, ngày 02/05/2024 09:33 GMT+7

Chủ tịch Fed Jerome Powell

VTV.vn - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp mới kết thúc cách đây vài giờ, đồng thời cảnh báo những chỉ số về lạm phát thời gian gần đây.

Ngày 1/5 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng 2/5 theo giờ Việt Nam), sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50% và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, 3 tháng đầu năm nay lạm phát đã cao hơn dự kiến và các nhà hoạch định chính sách "sẽ mất nhiều thời gian hơn dự tính trước đây" để đưa con số xuống mức mục tiêu là 2%.

Mặc dù trong tuyên bố trước đó vào tháng 3/2024, Fed đánh giá rủi ro đối với nền kinh tế “đang chuyển sang trạng thái tốt hơn” nhưng hiện nay, quá trình này có thể đã bị đình trệ.

Nói thêm về quyết định giữ nguyên lãi suất, ông Powell cho biết, Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vẫn tin rằng lãi suất hiện tại đang gây áp lực đủ lớn lên hoạt động kinh tế, để kiểm soát lạm phát. Cơ quan này sẵn lòng chờ đợi ngay cả khi lạm phát chỉ đơn giản là "đi ngang". 

Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6 liên tiếp - Ảnh 1.

Lạm phát ở mức cao là một trong những lý do khiến Fed cân nhắc việc cắt giảm lãi suất (Ảnh minh họa)

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân - đã tăng ở mức 2,7% hàng năm trong tháng 3. Mức tăng này nhanh so với tháng trước.

"Lạm phát vẫn còn quá cao", ông Powell nói báo giới sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang: "Những tiến bộ trong việc giảm lạm phát không được đảm bảo và con đường phía trước cũng không chắc chắn".

Ông Powell cho biết thêm, cá nhân ông dự báo lạm phát sẽ giảm trong năm nay, nhưng "niềm tin vào điều đó thấp hơn thực tế".

Với câu hỏi khi nào giảm lãi suất, Fed cho biết, việc có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không vẫn còn là "điều nghi ngờ". 

"Có những cách không cắt giảm lãi suất và cũng có những cách cắt giảm lãi suất. Điều này thực sự sẽ phụ thuộc vào dữ liệu", ông Powell nói. 

Thời điểm cắt giảm lãi suất ban đầu được dự đoán ngay từ tháng 3 năm nay, nhưng đã bị đẩy lùi khi số liệu lạm phát gần đây cho thấy tiến trình hướng tới mục tiêu 2% đang bị đình trệ. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng 3/2024 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ trầm lắng khi đóng cửa phiên giao dịch 1/5, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50% và báo hiệu khả năng tăng lãi suất là chưa thể xảy ra.

Khép phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,3% xuống 5.018,39 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm khoảng 0,3% xuống 15.605,48 điểm. Còn chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên ở mức 37.903,29 điểm, tăng 0,2% so với mức chốt phiên 30/4.

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu? Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?

VTV.vn - Một số nhà kinh tế học cho rằng thực sự không có nhiều chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát của Mỹ và châu Âu, mà vấn đề nằm ở các thước đo của Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước