FED quyết chống lạm phát đến cùng

Thùy An-Thứ sáu, ngày 09/09/2022 11:08 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED Jerome Powell nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giảm lạm phát trong bối cảnh kinh tế Mỹ hiện nay.

Xuất hiện tại một sự kiện diễn ra vào thứ 5 (theo giờ Mỹ), ông Powell đã một lần nữa đề cập tới cam kết chống lạm phát của FED.

"Lịch sử cũng không ủng hộ nới lỏng tiền tệ trở lại quá sớm. Tôi và các đồng nghiệp hoàn toàn cam kết với mục tiêu này cho tới khi nó được hoàn thành, bất kể áp lực từ bên ngoài như thế nào", ông Jerome Powell nhấn mạnh.

Sự kiện này là lần xuất hiện công khai cuối cùng theo lịch trình của ông Powell trước cuộc họp tiếp theo của FED dự kiến diễn  vào ngày 20-21 tháng 9.

FED đã tăng lãi suất bốn lần trong năm nay, với lãi suất cho vay hiện được đặt trong phạm vi từ 2,25% - 2,50%.

"FED có trách nhiệm ổn định giá cả. Mục tiêu của chúng tôi là lạm phát ở mức 2%. Lạm phát cao duy trình càng lâu thì rủi ro càng lớn", ông Jerome Powell nói thêm.

FED quyết chống lạm phát đến cùng - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED Jerome Powell tiếp tục khẳng định quyết tâm chống lạm phát

Hãng tin Bloomberg cho hay, các chuyên gia của Goldman Sachs vừa nâng dự báo về tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay. Theo đó, FED sẽ tiến hành tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong tháng này và thêm 0,5 điểm % trong tháng 11, cao hơn so với dự báo được đưa ra trước đó.

Ngoài ra, FED cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện một đợt tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào tháng 12.

Giới chức FED gần đây đã liên tục phát đi các thông điệp cứng rắn, cho thấy tiến độ kiềm chế lạm phát vẫn chưa đủ nhanh và đồng đều như kỳ vọng.

Ông Powell cho biết, áp lực lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ các tác động của đại dịch. Khi lạm phát bắt đầu tăng vào mùa xuân năm 2021, ông Powell và các đồng nghiệp tại FED cho rằng, đây là diễn biến "nhất thời" và không có phản ứng với bất kỳ động thái chính sách lớn nào, trước khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm 2022.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Powell cho biết, FED phải tiếp tục hành động cho đến khi lạm phát giảm và tránh những hậu quả như những năm 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, việc chậm trễ trong cuộc chiến với lạm phát đã đưa đến những tác động tiêu cực.

"Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, thẳng thắn, mạnh mẽ như chúng ta đã từng làm. Chúng ta cần duy trì việc này (tăng lãi suất) cho đến khi hoàn thành", ông khẳng định.

Cục Dự trữ liên bang sẽ xem xét dữ liệu các dữ liệu trước cuộc họp tuần tới trong đó đặc biệt là các con số do Cục Thống kê Lao động công bố về chỉ số giá tiêu dùng tháng 8.

FED quyết chống lạm phát đến cùng - Ảnh 2.

Đồng USD tăng mạnh sau các quyết định tăng lãi suất thời gian qua từ FED

Hôm 6/9, ông Thomas Barkin, Chủ tịch FED khu vực Richmond, khuyến cáo FED cần nâng lãi suất cơ bản lên mức có thể hạn chế hoạt động nền kinh tế và duy trì mức lạm phát cho đến khi các nhà hoạch định chính sách xác nhận lạm phát đi xuống.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh, ông Barkin nêu rõ nhằm ổn định giá cả, FED sẽ cần siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để lãi suất thực, vốn được điều chỉnh theo lạm phát, duy trì trên mức 0.

"Phải nâng lãi suất cơ bản lên mức đủ để hạn chế nền kinh tế phát triển quá nóng, qua đó mới có thể giảm được lạm phát", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của FED được dự báo sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ ở dưới mức tiềm năng trong năm nay.                         

Làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu

Hôm qua (8/9), kết thúc cuộc họp chính sách, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng các mức lãi suất chủ chốt của đồng Euro thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức tăng chưa từng có kể từ khi đồng Euro chính thức được đưa vào lưu hành, trong bối cảnh lạm phát ở khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ở mức cao kỷ lục. Trong phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cũng đã tái khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát.

Theo đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã nhắc lại tình hình lạm phát hiện nay là nguyên nhân cho bước đi chưa từng có tiền lệ của ECB.

"Chúng tôi nhất trí ra quyết định ngày hôm nay và có thể tiếp tục nâng lãi suất hơn nữa bởi lạm phát đang ở mức quá cao và kéo dài. Lạm phát giá thực phẩm đã đạt 10,6% trong tháng 8 do ảnh hưởng từ giá năng lượng và các gián đoạn thương mại", bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lý giải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước