Các quan chức FED đã nhiều lần nhấn mạnh rằng FED buộc phải tăng lãi suất để chống lạm phát với cái giá đánh đổi là sự sụt giảm đà tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp tăng và các ảnh hưởng tiêu cực khác lên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Ông Vinod Agarwal - Giáo sư kinh tế, Trường Kinh doanh Strome đánh giá: "Nâng lãi suất cơ bản sẽ chi phí đi vay của người tiêu dùng tăng lên và nợ tín dụng cũng tăng theo".
Ngay từ lúc này các tác động từ việc tăng lãi suất đã bắt đầu được quan sát thấy. FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,7% lên 3,8% trong năm 2022 và tăng vọt lên 4,4% trong năm tiếp theo.
Trong khi đó, một nghiên cứu của trường đại học California cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong 12 tháng tới trong khi lạm phát vẫn đứng ở mức cao. Còn theo Goldman Sachs, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán có thể sụt giảm tới 10% so với hiện nay.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington DC. (Ảnh: Reuters)
Các tác động từ việc FED thắt chặt mạnh tay chính sách tiền tệ còn có tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác.
"Các ngân hàng trung ương khác cũng buộc phải tăng lãi suất theo FED và điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới", ông Horst Lochel - Giáo sư kinh tế, trường Quản lý và Tài chính Frankfurt nhận định.
Giáo sư Lochel cho rằng chênh lệch lãi suất sẽ khiến tỷ giá đồng Euro so với USD tiếp tục sụt giảm, thúc đẩy dòng vốn rút khỏi khu vực Eurozone và gây ra tình trạng nhập khẩu lạm phát, khiến cuộc chiến chống lại đà tăng giá hàng hóa vốn đã khó khăn nay lại càng phức tạp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!