Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2019 khi First News nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42 - 55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa, trong đó, có nhiều đầu sách mà First News - Trí Việt là bên duy nhất được quyền sử dụng quyền tác giả một cách hợp pháp để dịch, liên kết xuất bản và in ấn tại thị trường Việt Nam.
First News kiện Lazada tiếp tay bán sách giả
Sau nhiều lần gửi công văn yêu cầu kiểm tra, quản lý việc buôn bán sách giả nhưng tình trạng không được khắc phục. Ngày 4/9, First News - Trí Việt đã nộp đơn khởi kiện Lazada lên Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM. Tòa án đã nhận đơn, kết quả xử lý đơn sẽ được thông báo sau 8 ngày làm việc.
Theo First News - Trí Việt, đã có gần 200 tựa sách của đơn vị phát hành sách này bị làm giả và bán trên Lazada trong suốt 2 năm qua. Liên quan tới vụ việc này, Lazada cũng đã có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho báo chí.
Công ty First News - Trí Việt tổ chức công bố vụ kiện Lazada với báo chí sáng 9/9. Ảnh: NLĐ.
Theo đó, Lazada xác nhận: "Lazada là nơi quy tụ lượng lớn các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, phân phối sách hàng đầu Việt Nam trên môi trường trực tuyến. Chúng tôi luôn tôn trọng các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như luôn thực thi biện pháp quản lý nền tảng nghiêm ngặt để có thể mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng.
Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để giải quyết những vướng mắc liên quan, từ đó xây dựng một nền tảng thương mại điện tử đáng tin cậy - nơi các sản phẩm sách chính hãng có thể được phân phối đến cho người tiêu dùng Việt Nam. Lazada sẵn sàng hợp tác với các đơn vị sở hữu quyền Sở hữu trí tuệ và sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng của mình".
Người tiêu dùng online cần được bảo vệ quyền lợi
Mặc dù sách giả không phải mặt hàng ngay lập tức gây hại cho sức khỏe, cuộc sống của người tiêu dùng nhưng về lâu dài sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, ngành xuất bản và các doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không mua được bản quyền sách nước ngoài để đưa về cho độc giả trong nước.
Là người thường xuyên mua hàng qua Internet, trong đó có sách, chị Bình (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, việc lựa chọn hàng giả, không có bản quyền là rủi ro cho người tiêu dùng vì họ không có công cụ hoặc cách nào để thẩm định trước khi nhận hàng.
"Tôi nghĩ là các trang thương mại điện tử hoặc cơ quan quản lý phải kiểm tra, xử phạt bởi người dùng cũng khó mà phân biệt được, nhất là những mặt hàng như sách khi mua online càng khó phân biệt thật, giả", chị Bình nói.
Một số sách bán chạy của First News được rao bán trên Lazada. Ảnh: NLĐ
Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Mua sản phẩm không có bản quyền, sau đó là chất lượng in ấn không đảm bảo, không có ai chịu trách nhiệm, rõ ràng người tiêu dùng thiệt thòi khi nhận về sản phẩm không đúng với số tiền mình bỏ ra".
Lý giải cho tình trạng trên, các doanh nghiệp kinh doanh sách cho rằng chế tài xử lý các vi phạm là chưa đủ sức răn đe.
Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Berne và WTO. Các NXB sẽ khốn đốn trong thương thảo bản quyền với nước ngoài. Cứ thế những cuốn sách có giá trị của thế giới ngày càng khó đến tay độc giả Việt Nam.
Định danh - Biện pháp để ngăn chặn hàng giả, vi phạm bản quyền
Hiện tại việc xử lý các vi phạm chủ yếu được xử lý với mức xử phạt hành chính mặc dù trách nhiệm của người bán cũng như sàn thương mại điện tử theo Bộ Công Thương đã được quy định khá rõ ràng.
Trong trường hợp đã nhận được phản ánh mà không có biện pháp xử lý, ngăn chặn và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, sàn thương mại điện tử có thể chỉ bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất 30 triệu đồng.
Việc thương mại điện tử bùng nổ và liên tục duy trì mức tăng trưởng 30% mỗi năm dẫn đến việc số lượng người tham gia ngày càng lớn, khả năng kiểm soát ngày càng khó khăn.
Theo Bộ Công Thương, để quản lý chặt chẽ và ngăn chặn được tình trạng hàng giả, vi phạm bản quyền sẽ đòi hỏi phải định danh được người dùng, nhất là người bán.
Theo một khảo sát mới đây, có tới 72% người dùng Việt Nam cho biết trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến là sản phẩm thực tế kém chất lượng so với giới thiệu, quảng cáo.
Thương mại điện tử Việt Nam vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng nhất là trước bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh VEPR, người tiêu dùng cũng đang ngày một kỹ tính hơn, do đó việc kiểm soát tốt thị trường này cũng sẽ là mục tiêu mà cơ quan quản lý cũng như các sàn phải sớm đẩy mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!