CNBC dẫn báo cáo công bố mới đây của Fitch Ratings cho biết, căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản càng kéo dài, nguy cơ niềm tin của người tiêu dùng suy giảm lại càng lớn.
Thời gian gần đây, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề khi cuộc khủng hoảng tiền mặt của tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới Evergrande bắt đầu "bung ra".
Theo Fitch, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ vẫn còn khó khăn trong năm tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Cuối cùng Evergrande đã bị tuyên bố vỡ nợ trong tháng này, sau nhiều lần thoát vỡ nợ trong gang tấc. Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản. Một số đã bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu, trong khi một số khác tuyên bố không thể trả được nợ.
Doanh số bán nhà cùng niềm tin của người tiêu dùng cũng giảm mạnh. Doanh số bán nhà trong tháng 11 đã giảm 16,3% về giá trị so với năm 2020, theo Reuter. Đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Doanh số bán nhà mới trong tháng 11 cũng giảm 0,3% so với tháng trước, mức giảm sâu nhất tính từ tháng 2/2015.
Theo báo cáo của Fitch, trong một kịch bản u ám, doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ giảm 30% và 12 trong tổng số 40 doanh nghiệp bất động sản (chiếm khoảng 1/3) có thể âm dòng tiền. Trong trường hợp ít nghiêm trọng hơn, doanh số bán nhà có thể giảm 15% và khoảng 13% doanh nghiệp bất động sản sẽ đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt.
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sắp phải đương đầu với khoảng 19,8 tỷ USD trái phiếu phát hành bằng đồng USD đáo hạn trong quý 1/2022 và 18,5 tỷ USD đáo hạn trong quý 2/2022, theo một ước tính gần đây của các chuyên gia phân tích Nomura Securities. Như vậy, số tiền đáo hạn trong quý tới còn cao gần gấp đôi so với mức 10,2 tỷ USD đáo hạn trong quý 4 này.
Những doanh nghiệp bất động sản được xếp hạng B sẽ đương đầu với áp lực tăng dần trong việc trả nợ nước ngoài. Các doanh nghiệp được xếp hạng A cũng đương đầu với rủi ro vỡ nợ, tuy nhiên mức độ an toàn thấp hơn.
Vào năm 2015, Tập đoàn bất động sản Kaisa Holdings từng là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ trên thị trường quốc tế, mới đây công bố đã không thể trả được lợi suất với một số khoản trái phiếu bằng đồng USD, đồng thời cũng đang đối thoại với chủ nợ về kế hoạch tái cơ cấu.
Đến nay, ngành bất động sản Trung Quốc đã chịu nhiều áp lực từ các biện pháp hạn chế của chính phủ bởi hoạt động cho vay bị siết chặt và doanh số bán nhà giảm, theo Wall Street Journal. Đợt bán mạnh trên thị trường trái phiếu đã khiến cho thị trường không còn các đợt phát hành trái phiếu mới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản không còn công cụ tái cấp vốn các khoản nợ bằng đồng USD.
Theo Fitch, một số khoản nợ thời gian qua cũng gây nghi ngờ về tính minh bạch trong việc công bố thông tin và các khoản nợ tiềm tàng của các công ty. Điển hình như nhà phát triển Fantasia có một số trái phiếu phát hành riêng không được công bố trong báo cáo tài chính công ty.
"Những khoản nợ tiềm ẩn đó bao gồm cả nợ không được công bố và các khoản đảm bảo cho các khoản vay của các công ty liên doanh, liên kết hoặc bên thứ 3, cho phép các nhà phát triển vượt qua giới hạn "ba lằn ranh đỏ" của Trung Quốc", Fitch cho hay.
Fitch dự đoán, nhìn chung, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ vẫn còn khó khăn trong năm tới. Các doanh nghiệp bất động sản nước này vẫn còn gặp nhiều thách thức và "sự hồi phục có ý nghĩa về mặt tín dụng và các điều kiện tiếp cận thị trường" sẽ còn phải chờ đến nửa cuối năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!