KFC, McDonald's, Burger King, Starbucks... là một số thương hiệu thành công trên thế giới và đã có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua mô hình nhượng quyền thương hiệu. Mô hình này bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000 và tính đến nay đã có gần 170 thương hiệu ngoại đăng ký nhượng quyền tại thị trường Việt Nam.
Nhóm ngành nghề dẫn đầu về nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam là lĩnh vực ăn uống với tỷ trọng hơn 40%, tiếp theo là các lĩnh vực thời trang, giáo dục đào tạo, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ.
Với đặc thù là nước có dân số đông và trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng cùng xu hướng tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ mới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiềm năng để phát triển lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, với dự báo tốc độ tăng trưởng ở mức 20% mỗi năm. Tuy nhiên, trái với tình hình nhượng quyền sôi động của các thương hiệu ngoại vào thị trường Việt thì số lượng thương hiệu của Việt Nam nhượng quyền ra nước ngoài lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
So với việc phải đầu tư kinh doanh từ đầu và phải tìm hiểu và xây dựng hệ thống cửa hàng, việc kinh doanh thông qua nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp rút ngắn thời gian đầu tư cơ sở vật chất cũng như phát triển thương hiệu. Từ đó, mô hình này sẽ giúp sinh lợi nhanh và giảm rủi ro trong kinh doanh. Nhờ những lợi thế này, nhượng quyền thương hiệu được đánh giá là một trong những mô hình được nhiều nhà kinh doanh quan tâm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!