Theo cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank Ltd., gần một nửa số công ty Nhật Bản sẽ tăng lương cho người lao động ngay cả khi không được ưu đãi thuế mà chính phủ đang lên kế hoạch đưa ra trong năm tài chính tới.
Cuộc khảo sát chỉ ra rằng nhiều nhà quản lý đang ưu tiên mức lương cao hơn để thu hút và giữ chân người lao động trong bối cảnh nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều năm, dân số già hóa và triển vọng kinh tế bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, các nhà lập pháp đang xem xét mở rộng hệ thống giảm thuế hiện nay để khuyến khích các công ty tăng lương. Đây là một phần của gói cải cách thuế cho năm tài khóa 2022 bắt đầu từ tháng 4/2022, theo chính sách đặc biệt của Thủ tướng Fumio Kishida về việc điều chỉnh chênh lệch giàu nghèo bằng cách thúc đẩy thu nhập của tầng lớp trung lưu.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện vào giữa tháng 11/2021 có 802 (tương đương 48,6%) trong số 1.651 công ty cho biết họ sẽ tăng lương bất kể việc giảm thuế ở quy mô nào.
Gần 90% doanh nghiệp được khảo sát là các công ty quy mô vừa như những công ty có vốn lên đến 300 triệu yen (2,6 triệu USD) hoặc lên đến 300 nhân viên. Con số này là 53,6% ở các công ty lớn, so với 47,9% ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kể từ khi nhậm chức vào đầu tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida cho biết, ông sẽ hướng tới việc khuyến khích tăng lương cho người lao động thông qua các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Cuối tháng trước, ông cho biết ông hy vọng các doanh nghiệp đã phục hồi như mức trước đại dịch COVID-19 sẽ tăng lương cho nhân viên hơn 3%.
Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua gói cải cách thuế vào cuối tháng này sau khi nhận được sự ủng hộ từ liên minh cầm quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!