Đây là sự sụt giảm lớn nhất kể từ khi Nhật Bản chịu thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 năm nay.
Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nhật Bản trong giai đọan từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2014 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đây được xem là hậu quả trực tiếp của chính sách tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% của Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua.
Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết: “Tác động của thuế tăng và đồng Yen yếu đã hạn chế tiêu dùng trong nước và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài”.
Lĩnh vực chịu tác động nặng nhất trong lần tăng thuế lần này là ô tô, máy tính và các vật dụng gia đình. Trong đó ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng thu hẹp. Nhiều công ty dự báo doanh thu sẽ tiếp tục giảm cho đến tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Amari cho rằng, thị trường lao động đang được cải thiện sẽ trở thành trụ đỡ cho lĩnh vực tiêu dùng nội địa, và chính sách giảm thuế doanh nghiệp sẽ phát huy tác dụng đối với lĩnh vực sản xuất.
Ông Akira Amari, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói: “Theo tôi điều quan trọng là nhìn vào xu hướng phát triển chứ không phải là những biến động trong ngắn hạn xuất phát từ các phản ứng tức thời của người tiêu dùng sau khi mức thuế tăng lên. Thị trường lao động đang được cải thiện nhanh chóng, và điều này chứng minh nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phục hồi”.
Thông tin GDP giảm mạnh đã không dẫn đến đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 trên sàn giao dịch Tokyo ngày 14/8 tăng nhẹ và có lúc đạt 15.338,85 điểm.
Đợt tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4 vừa qua đã trở thành cú sốc lớn với nền kinh tế Nhật Bản, khiến các họat động tiêu dùng tại nước này sụt giảm mạnh. Chính phủ Nhật Bản hy vọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ sớm phát huy tác dụng và ngăn đà xuống dốc kinh tế.