GDP quý III của Mỹ ước tính tăng 4,9%

Việt Linh-Thứ sáu, ngày 29/09/2023 13:10 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia, yếu tố tạo ra tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư là kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy dữ liệu tích cực, tạo thêm niềm tin về sức khỏe nền kinh tế số 1 thế giới.

Theo các dữ liệu được điều chỉnh mới nhất, GDP của Mỹ trong quý II vẫn giữ mức tăng trưởng 2,1%, nằm trong dự báo của giới phân tích. Động lực chính cho mức tăng trưởng này đến từ các hoạt động đầu tư gia tăng của doanh nghiệp vào các nhà máy tại Mỹ, cũng như các kế hoạch đầu tư thúc đẩy ngành bán dẫn của chính phủ.

Ở chiều ngược lại, tiêu dùng có mức tăng chỉ 0,8%, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó, cho thấy các biện pháp thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát đã phát huy hiệu quả. CEO của ngân hàng Bank of America mới đây cũng đã thừa nhận những thành công của FED.

"FED đứng trước thách thức khổng lồ, đó là tìm cách hạ nhiệt hoạt động tiêu dùng hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm của nước Mỹ. Ít nhất trong ngắn hạn họ đang thành công, bởi dù hành động chậm nhưng họ đã mạnh tay và bắt kịp rất sớm với tình hình", ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành, Ngân hàng Bank of America, đánh giá.

GDP quý III của Mỹ ước tính tăng 4,9% - Ảnh 1.

GDP của Mỹ trong quý II vẫn giữ mức tăng trưởng 2,1%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Tăng trưởng trong quý III còn được dự báo mạnh mẽ hơn với mức tăng lên tới 4,9%. Tuy nhiên, thị trường lao động tiếp tục thắt chặt vẫn được dự báo sẽ là một thách thức lớn với FED thời gian tới. Trong khi nguy cơ suy thoái đã tạm được đẩy lùi, kịch bản thị trường quan tâm nhất lúc này sẽ là FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

"FED cần phải rất thận trọng không để việc thắt chặt tiền tệ đi quá xa và từ từ đưa lạm phát về mức bình thường. Đó là lý do mà lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới, dài dự báo. Với các dữ liệu hiện nay, các nhà kinh tế của chúng tôi tin tưởng rằng Mỹ sẽ có thể "hạ cánh mềm" với tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái", ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành, ngân hàng Bank of America, nhận định.

Dù vậy, một thách thức lớn khác hiện nay là nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa kể từ 1/10 tới nếu 2 đảng không đạt được đồng thuận về dự luật ngân sách mới.

Ngân hàng JP Morgan đưa ra cảnh báo, GDP của Mỹ có thể bị mất tới 0,2% điểm phần trăm tăng trưởng, với mỗi tuần chính phủ đóng cửa, tác động mạnh đối với nền kinh tế số 1 thế giới trong quý IV tới.

Kinh tế Mỹ đối diện hàng loạt nguy cơ do chính phủ đóng cửa Kinh tế Mỹ đối diện hàng loạt nguy cơ do chính phủ đóng cửa

VTV.vn - Moody's cảnh báo việc chính phủ Mỹ đóng cửa có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước