Giá cà phê đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/01/2024 22:20 GMT+7

VTV.vn - Thu về lợi nhuận cao, không chỉ giúp bà con trang trải các khoản tiêu dùng, mua sắm Tết mà các hộ dân còn yên tâm hơn khi tái đầu tư cho vụ mùa kế tiếp.

Mất mùa nhưng được giá đó là câu chuyện vụ cà phê 2023 - 2024 của những người nông dân vùng trọng điểm cà phê Tây Nguyên. Mất mùa là bởi thời tiết khắc nghiệt đi kèm với dịch bệnh. Thế nhưng, hầu hết người trồng cà phê vẫn phấn khởi vì bù lại giá bán lại tăng cao ở mức kỷ lục.

Giá cà phê đang đạt gần 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây nên người trồng rất vui. Thu về lợi nhuận cao, không chỉ giúp bà con trang trải các khoản tiêu dùng, mua sắm Tết, mà các hộ dân còn yên tâm hơn khi tái đầu tư cho vụ mùa kế tiếp.

Nhờ tính toán chi phí đầu tư vào vườn cà phê một cách hợp lý, cộng với quá trình thu hái đảm bảo quả chín trên 80%, nên vụ cà phê năm nay gia đình ông Hnu (thôn Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) người dân tộc Bahnar vô cùng phấn khởi vì cà phê vừa được mùa, vừa được giá.

Giá cà phê đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây - Ảnh 1.

Giá cà phê đang đạt gần 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây. Ảnh minh họa.

Tây Nguyên là vùng trọng điểm cà phê cả nước với diện tích trên 600.000 ha. Ngay cả những địa bàn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây mất mùa, sản lượng giảm sút nhưng với mức giá cà phê đạt cao kỷ lục gần 70 triệu đồng/tấn khiến cho bà con nông dân, hợp tác xã vô cùng phấn khởi.

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: "Những năm gần đây cà phê Robusta Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường cà phê thế giới, chứng thực giá cà phê hiện nay rất cao, rất tốt, giúp nông dân sản xuất cà phê bền vững thay đổi, tạo có kế sinh nhai tốt".

Tỉnh Gia Lai có diện tích gần 100.000 ha cà phê, trong đó gần một nửa diện tích được bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Nhờ xây dựng liên kết chuỗi giá trị, nên dù gặp biến động về giá, song bà con cùng các hợp tác xã vẫn đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng trước đó.

Ngành cà phê tăng tốc từ đầu năm

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị phần sang các thị trường mới đã giúp xuất khẩu cà phê năm 2023 của Việt Nam đã đạt 1,61 triệu tấn, kim ngạch tăng 3,1% và giá trị lên mức cao kỷ lục là 4,18 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta cũng đã kín đơn hàng cho tới hết quý I năm nay. Để duy trì đà tăng trưởng này, doanh nghiệp liên tục phải nâng cao về chất, thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng những quy định mới của nhiều thị trường khác nhau với từng loại cả phê.

Cà phê Robusta và Arabica của Tập đoàn Phúc Sinh hiện đang có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80.000 tấn cà phê, trong đó xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm tới 65%.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với một số thị trường mới, giúp doanh thu tăng trưởng tốt và kín đơn hàng cho đến hết quý I/2024.

Giá cà phê đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm gần đây - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta cũng đã kín đơn hàng cho tới hết quý I năm nay. Ảnh minh họa.

Để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu, trong năm 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao sẽ nỗ lực để ngày càng nhiều doanh nghiệp thành viên đạt các chứng nhận sản xuất hữu cơ như chứng nhận Organic, Liên minh Rừng mưa (Rainforest Alliance) hay UTZ.

Năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp do kinh tế thế giới nhiều biến động.

Ngoài ra, quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm, thị trường này sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản được trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị hồ sơ để chứng minh nguồn gốc café của mình. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp nào không chuẩn bị tốt hồ sơ thì sẽ bị thay thế bởi các nhà cung ứng khác.

Xuất khẩu cà phê hướng đến mốc 5 tỷ USD

Doanh nghiệp nào không chuẩn bị tốt, không đáp ứng được thì sẽ bị thay thế bởi các nhà cung ứng khác. Làm sao để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay?

Chính những yêu cầu khắt khe của các thị trường là động lực để người nông dân cùng các doanh nghiệp Tây Nguyên đẩy mạnh liên kết nâng cao hơn nữa chất lượng, thương hiệu cà phê Việt.

Với việc Liên minh châu Âu siết chặt kiểm soát nguồn gốc cà phê, trong khi đó sản lượng cà phê tiếp tục giảm trong niên vụ 2023 - 2024, các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh. Thay vì chạy theo sản lượng thì giờ những nhà sản xuất tập trung vào việc nâng cao chất lượng, qua đó gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phê trong năm 2024.

Không chỉ đạt kỷ lục về lượng, cà phê Việt luôn được đánh giá cao về chất và hương vị ở thị trường quốc tế. Còn ở ngay tại Việt Nam, cà phê từ lâu không chỉ là một đồ uống mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Sản xuất cà phê theo hướng xanh, bền vững Sản xuất cà phê theo hướng xanh, bền vững

VTV.vn - Trước quy định về xuất khẩu của châu Âu, ngành hàng cà phê đang tập trung tái cơ cấu theo hướng xanh, bền vững, có trách nhiệm với toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước