Chương trình Toàn cảnh thế giới cùng khách mời TS. Hoàng Anh Tuân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao
Giá dầu - loại năng lượng huyết mạch đối với nền kinh tế thế giới - đang giảm mạnh xuống mức kỷ lục thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/11, giá dầu thô của Mỹ giảm còn 68.11 USD Mỹ /thùng trong khi giá dầu Bren chỉ đạt 71.58 đôla/thùng.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà phân tích cho rằng, do nhu cầu ngày càng đi xuống trong khi nguồn cung lại đang tăng. Bên cạnh đó còn hai nguyên nhân đáng lưu ý là suy thoái nền kinh tế và cuộc cách mạng dầu khí đá phiến của Mỹ đã khiến cho sản lượng dầu thô của Mỹ đứng thứ 2 thế giới 11 triệu thùng mỗi ngày. Mỹ đã bớt lệ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô thậm chí còn gia tăng sản lượng dầu khí thành phẩm sau khi làm chủ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến.
Những hệ quả từ việc giá dầu giảm hơn 30% từ tháng 6 đến nay đang lan ra ngoài lĩnh vực năng lượng, tác động tới tiền tệ, ngân sách quốc gia và cổ phiếu của các công ty năng lượng. Đồng Ruble của Nga đã mất gần 30% giá trị kể giữa tháng 6 khi giá dầu thô bắt đầu giảm. Các công ty dầu khí lớn trên thế giới cũng bắt đầu bị ảnh hưởng, cụ thể là cổ phiếu công ty dầu khí Anh BP giảm 17% kể từ giữa tháng 6, cổ phiếu của hãng Chevron giảm 11% và cổ phiếu của hãng Seadrill - một trong những ông chủ sở hữu giàn khoan lớn nhất thế giới – đã giảm 18% vào ngày 26/11.
Theo đó, các chuyên gia cũng nhận định những tác động tiêu cực của hiện tượng này lên nền kinh tế thế giới sẽ còn lớn hơn nếu giá dầu tiếp tục lao dốc. Và tất lẽ, điều đó cũng không ngoại lệ tại Việt Nam.
Trong năm 2014, giá dầu đã giảm 10 lần liên tiếp kéo theo mức giảm giá xăng ERON 92 đạt tổng cộng 3.592đồng/lít. Với các hộ gia đình, mức chi tiêu cho đi lại đã giảm đi chút ít và dấy lên hy vọng giá cả cũng theo đó giảm. Nhưng trên bình diện quốc gia, nhất là các quốc gia có nguồn thu phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu thì việc giá dầu giảm sẽ đem đến nhiều lo ngại.
TS. Hoàng Anh Tuân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao
Chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia của khách mời - TS. Hoàng Anh Tuân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao sẽ đem tới những phân tích về nguyên nhân giá dầu thế giới giảm, đồng thời đề cập đến tác động của sự thay đổi giá dầu ở tầm chiến lược và mối quan hệ quốc tế.
Khẳng định trong cuộc trò chuyện, TS. Hoàng Anh Tuấn đồng ý với nhận định về sự thay đổi vai trò của Mỹ trên thị trường dầu.
Ông cho biết: “Mỹ đã thay đổi vai trò của mình từ một nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới thành nước đang trên con đường tự túc và xuất khẩu dầu lửa. Chỉ vài tháng nữa, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới. Và trong vài năm tới, Mỹ có thể trở thành nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới thay thế Arab Saudi Đây là cuộc chơi mới, cục diện mới làm thay đổi các vấn đề địa chính trị, địa kinh tế với những hệ quả sâu xa mà chúng ta chưa thể lướng hết được”.
Bên cạnh đó, theo TS. Hoàng Anh Tuấn, nguyên nhân tạo ra hiện tượng giảm giá dầu đầu tiên là các đánh giá về sự khan hiếm của giá dầu đang bị lệch. Dầu trên thế giới nằm ở các nguồn khác nhau, các vùng khác nhau. Đồng thời công nghệ khai thác dầu mới giúp tìm ra các vỉa quặng đã khiến chi phí giảm đi nhiều so với cách khai thác truyền thống. Cuối cùng là do yêu cầu cần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn khi sản lượng dầu vẫn giữ nguyên như cũ,
Một thực tế đang diễn ra là việc giảm giá dầu có ảnh hưởng lớn tới các nước có nguồn thu từ dầu mỏ. Trong đó, có 4 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất: Nga, Venezuela, Iran, Iraq. Đặc biệt, khi tình hình giá dầu giảm có sự tham gia của Mỹ với cương vị là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thế giới đã làm thay đôi tương quan lực lượng. Tiếng nói của các nước OPEC đã giảm trọng lượng, OPEC không còn có thể quyết định việc tăng hay giảm sản lượng dầu như trước.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:
Toàn cảnh thế giới ngày 30/11/2014: Giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 5 năm.