Cập nhật dữ liệu từ Oilprice, lúc 6h ngày 15/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 99,1 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 96,41 USD/thùng, giảm 63 cent, tương đương 0,66%.
Giá dầu đi xuống trong 2 tuần qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Trước đó, cuối phiên giao dịch ngày 14/7, giá dầu thế giới giảm sau khi giảm hơn 4 USD lúc đầu phiên do các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng về một đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào cuối tháng này mà có thể ngăn chặn lạm phát nhưng có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 47 xu Mỹ (0,5%) xuống 99,10 USD/thùng và kết thúc phiên thứ 3 liên tiếp dưới 100 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2022 cũng giảm 0,5% (52 xu Mỹ) xuống 95,78 USD/thùng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng cường đối phó với lạm phát ở mức cao nhất trong hơn 40 năm và được dự báo sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng này sau khi báo cáo lạm phát tháng 6 cho thấy áp lực giá đang gia tăng.
Dự kiến, cuộc họp chính sách của FED diễn ra vào ngày 26 - 27/7 tới. John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết, các động thái của FED sẽ có tác động lớn đến thị trường.
Giá dầu đã giảm trong 2 tuần qua do lo ngại suy thoái kinh tế. Cùng với đó, các nhà đầu tư đã đổ xô vào đồng bạc xanh, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong 20 năm qua hôm 12/7 khiến việc mua dầu trở nên đắt hơn.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết các chỉ báo kỹ thuật đang cho thấy một đợt đáy mới khác khi đồng USD tiếp tục chi phối trong việc định hướng giá dầu.
Tại châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu giảm với việc Ủy ban châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 7,6%. Trong khi đó, các nhà giao dịch tiếp tục lo lắng rằng việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách nhanh chóng sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Ngoài ra, khả năng phong tỏa để kiềm chế sự lây lan COVID-19 ở nhiều thành phố của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, cũng làm dấy lên lo ngại nguồn cầu giảm ở nước này.
Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 13/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cho năm 2022 và 2023, đồng thời cảnh báo về sự bất ổn liên quan đến triển vọng thị trường dầu mỏ.
"Triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi và lo ngại suy thoái đang đè nặng lên tâm lý thị trường, trong khi có những rủi ro về phía nguồn cung", IEA cho biết.
Cũng trong tuần, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo rằng nhu cầu đang suy yếu, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!