Tuần qua giá gạo tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trọng hơn 1 năm sau khi nước này đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng chủ tực này và gây lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 450-484 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 460-490 USD/tấn.
Ấn Độ đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ vào cuối ngày 22/10 và loại bỏ giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn đối với gạo trắng phi basmati vào ngày 23/10 để thúc đẩy xuất khẩu. Sau quyết định của Ấn Độ thì giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 510 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 532 USD/tấn vào ngày 24/10, giảm so với mức 537 USD/tấn một tuần trước đó và thấp nhất kể từ tháng 7/2023.
Trước đó tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 (ngày 23/10), ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, "Ấn Độ là quốc gia có vai trò lớn trên thị trường gạo thế giới, động thái của nước này đã được Bộ Công thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam theo dõi sát. Có thể nói, đến thời điểm này xuất khẩu gạo khá khả quan. Tuy nhiên với động thái của Ấn Độ gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo thì chắc chắn giá xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp, hiệp hội đã theo dõi sát sao động thái này để không bị động".
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước, bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao".
Hiện Việt Nam đang thực hiện chủ trương chuyển sang các loại gạo chất lượng cao, gạo có tính đặc thù như gạo thơm và đặc biệt là xây dựng thương hiệu. Điều này đã giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm, không bị đụng hàng với gạo Ấn Độ xuất khẩu và hạn chế được khả năng bị ảnh hưởng trên thị trường thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!