Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm

PV-Chủ nhật, ngày 24/09/2023 06:05 GMT+7

Hiện giá gạo đang có xu hướng chững lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giảm so với các mức cao gần đây. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 610 - 620 USD/tấn, thấp hơn so với mức 620 - 630 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nhận định động thái áp trần giá gạo gần đây của Philippines có thể đã tác động tới giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ từ những người mua khác sẽ giữ giá không giảm sâu thêm.

Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan giao dịch ở mức 605 USD/tấn vào tuần này, giảm từ mức 613 - 615 USD/tấn hồi tuần trước.

Theo một thương nhân có trụ sở tại Bangkok, sự sụt giảm trên do đồng Baht yếu đi. Đồng nội tệ Thái Lan đã giảm 4% so với đồng USD từ đầu năm đến nay và chạm mức thấp nhất trong hơn 10 tháng vào 20/9.

Trong khi đó, giá đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ ổn định ở mức 525 - 535 USD/tấn trong tuần thứ hai liên tiếp, dù vẫn gần mức cao kỷ lục 520 - 540 USD/tấn đạt được vào ngày 31/8.

Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu từ tháng 8, một động thái hạn chế mới đối với nhóm gạo không phải basmati.

"Việc xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng hiện đang bị cấm và những người mua gạo đồ không muốn trả mức thuế 20%. Do đó, hoạt động giao dịch loại gạo này đang chững lại tại Ấn Độ", một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Hiện giá gạo đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát (như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ), tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mì).

Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.

Nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm, vì vậy từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường vẫn rất khả quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến hết tháng 8 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ...), châu Phi (Ghana, Angola...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Giá gạo xuất khẩu giảm Giá gạo xuất khẩu giảm

VTV.vn - Giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung lớn trên thế giới gồm Thái Lan, Việt Nam tiếp tục điều chỉnh giảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước