Giá gạo vẫn duy trì ở mức cao
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo hôm 22/9 tiếp tục đà giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613 - 617 USD/tấn, giảm 1 USD/ tấn so với phiên hôm 21/9, gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598 - 602 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn. Nhìn chung, trong vòng 2 tuần qua, giá gạo xuất khẩu đã giảm hàng chục USD mỗi tấn.
Trước diễn biến trên, Bộ Công Thương nhận định, giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại, sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát. Ví dụ như Philipines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó được dỡ bỏ, hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo… Nhưng nhìn rộng ra đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn như Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi.
Giá gạo vẫn duy trì ở mức cao từ nay đến cuối năm. Ảnh minh họa.
Trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ biến động của giá gạo sẽ còn phụ thuộc vào các biến số như thời tiết ảnh hưởng tới thời vụ, chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: "Chúng ta đang cơ lợi thế về mặt thị trường, tuy nhiên điều này lại phụ thuộc vào yếu tố khác, đặc biệt là Ấn Độ, nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo thì biến động về giá sẽ thấy ngay và giá gạo sẽ sụt giảm. Do vậy chúng ta luôn luôn tính đến phương án có thể xảy ra trong việc dự trữ cũng như chúng ta ký kết hợp đồng và áp dụng điều khoản phù hợp, để phòng tránh rủi ro. Còn việc đảm bảo dự trữ lưu thông cũng như đáp ứng yêu cầu của Nghị định 107 vẫn là yêu cầu hàng đầu mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tuân thủ".
Giá gạo xuất khẩu xác lập một mặt bằng giá mới
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ mặc dù so với thời điểm trước giá gạo có giảm khoảng 10% tuy nhiên điều này vẫn tốt cho bà con nông dân và đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu ổn định. Về lâu dài đây đã là một dấu hiệu xác lập cột mốc giá mới cho gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Từ cuối tháng 7/2023 ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo thế giới đã điều chỉnh tăng liên tục. Việc tăng giá quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký và lâm vào thua lỗ khi "giá nội cao hơn giá ngoại". Do đó, khi giá gạo xuất khẩu giảm đã kéo theo giá trong nước bắt đầu ổn định hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thu mua xuất khẩu.
Việc giá lúa trong nước ổn định, góp phần giúp giá gạo xuất khẩu cũng ổn định theo. Ảnh minh họa.
Ghi nhận trong ngày 22/9, giá lúa tại nội địa đã ổn định. Đơn cử tại An Giang, giá lúa IR 504 dao động quanh mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg, OM 5451 ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000 - 8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg. Việc giá lúa trong nước ổn định, góp phần giúp giá gạo xuất khẩu cũng ổn định theo.
Lâu nay, hoạt động mua - bán lúa, gạo giữa nông dân và doanh nghiệp gần như phụ thuộc vào hệ thống cò và thương lái. Do đó, cần xử lý thật nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá, làm bất ổn thị trường. Chỉ khi lợi ích thật hài hòa giữa các bên thì ngành gạo mới phát triển bền vững.
Để góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp và các địa phương nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trự lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng quy định Nghị định số 107, Chỉ thị số 24 ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!