Sau 4 phiên tăng liên tiếp, giá lợn hơi hôm nay (16/5) tiếp tục phục hồi và dao động quanh mức 53.000 - 56.000 đồng/kg, mức cao nhất trong gần một năm trở lại đây. Đây được coi là thông tin tích cực cho những người chăn nuôi lợn sau một thời gian dài giảm sâu và neo ở mức thấp.
Dù giá lợn hơi trong nước đang dấu hiệu tăng trở lại, các chuyên gia cho biết ngành nghề này vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới và cần phải có sự chung tay, vào cuộc từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ khó khăn.
Kể từ giữa năm 2022 cho đến nay, giá lợn hơi trong nước liên tục ghi nhận mức giảm, từ vùng giá 70.000 đồng/kg xuống chỉ còn 51.000 đồng/kg vào tháng 3 vừa qua. Hơn một năm qua, giá lợn hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao khiến ngành này gặp không ít khó khăn.
"Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc các công ty chăn nuôi khác đang gánh chi phí đầu vào rất lớn dẫn tới giá bán khiến họ thua lỗ rất nặng", ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Kinh doanh Toàn quốc, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết.
Kể từ giữa năm 2022 cho đến nay, giá lợn hơi trong nước liên tục giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá lợn hơi đang có dấu hiệu tăng trở lại sau hiện dao động quanh mốc 56.000 đồng/kg. Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng giá lợn hơi sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới, do nguồn cung trong nước cũng không còn dồi dào như trước
"Xu hướng giảm nguồn cung sẽ còn diễn biến trong thời gian tương đối dài, đẩy giá lợn hơi trong nước tăng trong thời gian tới, có thể từ nay đến hết quý I, II năm 2024". ông Nguyễn Văn Quyết cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia để xác lập xu hướng tăng, giá lợn hơi trong nước còn phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu người tiêu dùng.
"Sức mua không thể tăng một sớm một chiều ngay được nếu kinh tế chúng ta không hồi phục. Nó phụ thuộc vào lượng cung thực phẩm", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, nhận định.
Cùng với việc giá lợn hơi đang có dấu hiệu hồi phục, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi chủ động nhiều hơn nguồn thức ăn trong nước, để giảm chi phí đầu vào, khôi phục sản xuất.
"Còn ngách hẹp nữa với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đó là 2% thuế với đậu tương và khô dầu. Bộ cũng đã báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Quốc hội để có thể điều chỉnh cái này về 0 để giúp ngành chăn nuôi", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trồng nguyên liệu tại chỗ sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!