Người dân mua thịt lợn tại một khu chợ. (Ảnh: TTXVN)
Từ đầu tháng 3 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm xuống dưới giá thành (55.000 - 60.000 đồng một kg) khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Trên thị trường, giá lợn hơi hôm nay (10/4) dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay lặng sóng và duy trì trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Thương lái tại các địa phương gồm Yên Bái, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đang thu mua lợn hơi với giá 49.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá, 50.000 đồng/kg, là mức giao dịch tại các địa phương bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang. Mức giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại các địa phương gồm: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình và Vĩnh Phúc.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay ổn định trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Ninh Thuận đang giao dịch cùng mức 49.000 đồng/kg. 52.000 đồng/kg - mức giá cao nhất khu vực, được ghi nhận tại Quảng Nam. Thương lái tại các tỉnh còn lại đang thu mua lợn hơi với giá từ 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay chững giá và thu mua trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, tại tỉnh Tây Ninh, giá lợn hơi hôm nay đang được thu mua với giá 48.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá, tại Bình Dương, thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành khác chứng khiến giá thu mua trong khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg.
"Giá lợn hơi xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết. Cùng với đó lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể.
"Ở Việt Nam hiện có khoảng 27 - 28 triệu con lợn/100 triệu dân thì không thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Nhưng thời gian qua sức mua giảm do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới nên đã tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ thịt lợn", ông Thắng thông tin.
Vì sao giá thịt lợn không chịu giảm?
Theo báo cáo của chợ đầu mối Hóc Môn (chợ đầu mối tiêu thụ heo lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh) cho biết giá lợn tại hộ chăn nuôi đang giảm về mức thấp nhất 47.000 đồng, còn tại các công ty chăn nuôi, giá là 48.000 - 51.000 đồng một kg. Hiện, nhiều hộ chăn nuôi lợn hơi ở Đồng Nai và các tỉnh miền Tây không còn vốn để tái đàn nên đã "treo chuồng".
Giá lợn hơi hôm nay (10/4) dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Dù giá lợn hơi lao dốc, nhưng giá thịt bán lẻ tại các chợ truyền thống, siêu thị vẫn neo ở mức cao. Điều này khiến người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá đắt, trong khi người chăn nuôi thua lỗ, không dám tái đàn.
Khảo sát những ngày gần đây tại một số chợ truyền thống, giá thịt dao động 70.000 - 170.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ và sườn non, thịt nạc giòn (phần thịt nọng cổ) có giá cao nhất. So với giá hơi, giá các mặt hàng này tại chợ truyền thống đang cao gấp 1,5 - 3,5 lần (tùy theo loại thịt).
Còn tại các siêu thị, giá thịt lợn bán lẻ đang cao hơn so với chợ truyền thống 30.000 - 40.000 đồng mỗi kg (tùy loại). Cụ thể, giá xương cổ lợn 70.000 đồng một kg, chân giò 110.000 - 130.000 đồng một kg, còn ba chỉ, sườn non, nạc nọng heo 190.000 - 240.000 đồng, không thay đổi so với trước. Mức giá này cao gấp 1,5 - 5 lần so với giá lợn hơi.
Lý giải giá thịt neo mức cao dù lợn hơi giảm mạnh, một tiểu thương tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho rằng chi phí vận chuyển, thuê sạp gần đây tăng mạnh khoảng 20 - 40% so với trước. Do vậy, sau khi cộng các chi phí này, giá thịt khó có thể điều chỉnh giảm.
Các hệ thống siêu thị cũng cho biết đang cố gắng giảm giá thịt hơi 10 - 15% so với trước, nhưng thực tế vẫn cao hơn tại các chợ truyền thống và khó hạ theo tốc độ giảm của giá hơi. Bởi họ phải gánh nhiều chi phí về mặt bằng, điện, nước, không gian mua sắm, nhân sự để phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, 3 tháng đầu năm, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng, siêu thị thường xuyên khuyến mãi với giá thấp nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận không đáng kể, thậm chí hòa vốn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giá thịt lợn bán lẻ neo cao, không giảm theo giá lợn hơi nghĩa là lợi nhuận chủ yếu về tay các tiểu thương bán buôn. Để kéo giá thịt lợn về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt lợn đúng giá, cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt, cơ quan chức năng phải có cơ chế quản lý các khâu trung gian, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi trường hợp có dấu hiệu trục lợi.
"Một nguyên nhân khiến giá thịt lợn trên thị trường không tăng, giảm theo quy luật đó là do hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy vẫn diễn ra việc ép giá, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.
TS. Cấn Văn Lực cũng từng chỉ ra những "điểm nghẽn" trong câu chuyện này chính là chi phí ở khâu trung gian. Điểm thứ hai cũng rất quan trọng đó là văn hóa kinh doanh.
Theo các chuyên gia, để kéo giá thịt lợn về đúng giá thị trường, giúp người tiêu dùng mua được thịt lợn đúng giá cũng như để người chăn nuôi không bị thua thiệt, cơ quan chức năng phải có cơ chế "dẹp loạn" các khâu trung gian, bằng biện pháp hành chính nghiêm khắc; ngoài ra, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống, phát huy vai trò của các hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội chăn nuôi, hội phụ nữ ở các chợ…để người bán nhận thức, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!