Trong tháng hai vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng Nga đã tăng 5,67% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó giá lương thực, thực phẩm tăng 7,72%. Theo thống kê, giá thực phẩm ở xứ sở bạch dương đã tăng liên tục diễn ra kể từ quý II/2020. Đây cũng là bối cảnh chung của toàn cầu.
Nguyên nhân một phần là do nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Tiếp đó là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và những yếu tố bất lợi của thời tiết đã cản trở việc thu hoạch. Các yếu tố trên đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Riêng trong năm 2020, giá lương thực đã tăng 6,7%. Trong đó, giá đường tăng 13,6%, bánh mì và các sản phẩm ngũ cốc tăng 8,6%. Đặc biệt giá rau củ quả còn tăng tới 17,4%.
Một phụ nữ mua hàng ở siêu thị Nga. Ảnh: Themoscowtimes.
Người tiêu dùng Moskva, Liên bang Nga cho hay: "Tôi không thể biết được chính xác giá đã tăng lên bao nhiêu vì tôi thường mua rất nhiều thực phẩm do gia đình tôi đông người. Tôi không mua bánh mì thông thường mà thay vào đó tôi thường mua bánh ngọt và 3 loại sản phẩm từ bột mì. Trước đây, tôi thường phải trả 800 Ruble để mua số hàng này thì nay tôi phải trả đến 1.000 Ruble".
Trước tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng, một số bà nội trợ ở thủ đô Moskva đã tìm đến các chợ nông sản ở ngoại ô để tìm mua các loại rau củ quả với mong muốn có được mức giá mềm hơn. Bởi đa phần các nông sản này là do nông dân các địa phương ở những vùng lân cận đem đến bán.
"Chúng tôi đã mua được dâu tây và cà chua từ một phụ nữ quen từ nhiều năm nay. Bà ấy luôn cung cấp cho chúng tôi những sản phẩm tươi ngon mà giá cả lại phải chăng", bà Lyubov - một khách mua hàng nói.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, tất cả các chủ cửa hàng, khách hàng ra vào khu chợ nông sản phải đeo khẩu trang và tuân thủ các qui định giãn cách xã hội.
Nga tăng cường các biện pháp kiểm soát giá lương thực
Ngành lương thực thực phẩm của Nga đã lập kỉ lục trong năm 2020 với 79 triệu tấn nông sản và thực phẩm được xuất khẩu, trị giá gần 31 tỷ USD, cao hơn 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên, động thái này lại khiến cho nguồn cung trong nước bị hạn chế.
Chính vì vậy, Chính phủ Nga mới đây đã đưa ra các biện pháp hạn chế việc xuất khẩu một số mặt hàng lương thực nhằm kiểm soát lạm phát giá lương thực trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực lên nền kinh tế và thu nhập hộ gia đình giảm.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vừa ký một loạt sắc lệnh nhằm bình ổn giá lương thực, trong đó có áp đặt hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc và đánh thuế xuất khẩu lúa mì.
Theo đó, Nga - một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sẽ ban hành hạn ngạch đối với xuất khẩu ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô. Khối lượng xuất khẩu ngũ cốc bị hạn chế xuống 17,5 triệu tấn trong giai đoạn từ ngày 15/2 đến 30/6.
Một cánh đồng lúa mì ở phía Nam thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: Telegraph.
Ngoài ra, Nga cũng quyết định đánh thuế xuất khẩu lúa mì ở mức 50 Euro/tấn từ đầu tháng này, thay vì mức 25 Euro so với mức hồi giữa tháng 2. Nếu khối lượng xuất khẩu vượt quá hạn ngạch, mức thuế đối với lúa mì sẽ tăng lên tới 50% .
Giới chức Nga hy vọng việc đánh thuế này sẽ giúp tăng lượng lúa mì có sẵn trong nước. Còn theo công ty tư vấn nông nghiệp SovEcon, việc đánh thuế này có thể làm lượng lúa mì xuất khẩu của Nga niên vụ 2020 - 2021 giảm từ 2 - 3 triệu tấn xuống còn 37,8 - 38,8 triệu tấn. Chính phủ cam kết sẽ dành số tiền đánh thuế trên để trợ cấp cho nông dân trồng ngũ cốc.
Ngoài việc đánh thuế đối với lúa mì xuất khẩu, giới chức Nga đã ký kết thỏa thuận với các nhà sản xuất dầu hướng dương và đường để hạn chế tăng giá trong thời gian tới. Còn các nhà sản xuất gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng tự nguyện cam kết sẽ không tăng giá trong hai tháng tới.
Các động thái mới này được xem sẽ giúp kiềm chế giá lương thực đang leo thang cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!