Xét về góc độ lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp trong nước, việc áp thuế tự vệ được Bộ Công Thương cho là phù hợp. Bởi nếu không, các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ phá sản, nguồn cung cấp phân bón sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và sẽ khó quản lý về giá.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc áp thuế vô hình chung cũng khiến giá phân bón trong nước tăng lên. Bởi hiện nay, nếu chạy hết công suất, hai công ty của Vinachem cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng DAP, MAP trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Vài tháng gần đây, các loại phân bón nhập khẩu đều tăng khoảng 50.000 đồng/bao, khiến các đại lý cung ứng phân bón liên tục phải giải thích mỗi khi có người đến mua. Trong khi đó, người dân cũng gặp khó khăn, thậm chí tính bỏ ruộng vì chi phí sản xuất quá cao.
Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, sau khi áp thuế tự vệ cho nguyên liệu DAP, MAP nhập khẩu, chi phí để sản xuất ra 1 tấn phân bón NPK đã tăng khoảng hơn 200.000 đồng. Điều này khiến doanh nghiệp sắp tới buộc phải tăng giá bán để không phải chịu lỗ.
Theo Hiệp hội phân bón, trong thời gian nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi một số quốc gia sản xuất nhiều như Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu 80% từ Trung Quốc. Do vậy, cùng với việc áp thuế, người nông dân và doanh nghiệp sản xuất có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng tăng giá phân bón trong thời gian tới.
Không chỉ phải đối mặt với tình cảnh tăng giá nguyên liệu phân bón DAP, MAP, mà hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với các sản phẩm NPK nhập khẩu, do các sản phẩm thành phẩm này không bị áp thuế như nguyên liệu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!