Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Ngay sau công điện, Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp để giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ.
Tại Công điện 679, Thủ tướng chỉ đạo rõ về việc đối với nguyên, vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý hiệu quả nguồn cung; xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình, dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, mặt bằng giá tiếp tục có dấu hiệu "hạ nhiệt". Cụ thể, vài ngày gần đây, giá thép nội địa tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 15 liên tiếp kể từ đầu tháng 5.
Các loại thép xây dựng đã hạ nhiệt theo giá bán công bố của các công ty thép. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo đó, giá thép đã giảm thêm từ 200.000 - 400.000 đồng/tấn. Sau khi giảm, giá thép dao động trong khoảng 14,3 - 15,3 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, giá bán lẻ của một số loại thép hộp tại các đại lý giảm thêm cả triệu đồng/tấn, tương ứng mức giảm mạnh vài nghìn đồng/kg.
Tín hiệu khả quan cho ngành xây dựng
Khảo sát tại các đại lý bán lẻ sắt thép trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thép trong thời gian vừa qua đã có sự sụt giảm mạnh, đơn cử như loại thép hộp có mức giảm mạnh nhất, đỉnh điểm có lúc lên đến 27.000 - 28.000 đồng/kg, tuy nhiên đến nay, giá thép chỉ còn 21.000 đồng/kg. Các đại lý trong thời gian gần đây nhập hàng khá dè dặt vì lo ngại giá thép sẽ tiếp tục giảm.
"Giá giảm nhưng người dân cũng không mua nhiều, bởi vì rơi vào tháng 7 nên người ta cũng làm ít. Cũng nhập từ từ thôi, bán bao nhiêu nhập bấy nhiêu chứ không tích trữ", chủ một đại lý thép trên đường Đê La Thành, Hà Nội, cho biết.
Mặt bằng chung, các loại thép xây dựng khác cũng đã hạ nhiệt theo giá bán công bố của các công ty thép cũng như thép nhập khẩu. Các chủ đại lý cũng kỳ vọng qua thời điểm này, nhu cầu sẽ tăng trở lại và giá thép sẽ chững lại.
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy thép đã tương đối thận trọng trong bối cảnh giá thành phẩm trên thế giới giảm.
"Việc giá thép trong nước liên tục giảm trong thời gian qua rất phù hợp với diễn biến của giá thép và nguyên liệu quặng sắt trên các sở giao dịch quốc tế. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá quặng sắt trên sở Singapore đã giảm khoảng 36%, trong khi giá thép trên Sở Thượng Hải cũng giảm tương đương", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức Hàng hóa Việt Nam, thông tin.
Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng trong nước cũng đã giảm mạnh từ 30 - 40% từ đầu năm và tiếp tục hạn chế hơn khi bắt đầu mùa mưa. Ngoài ra, nhiều nhà thầu cũng đang có tâm lý chờ đợi giá thép tiếp tục giảm.
"Tâm lý của các nhà thầu hiện nay là tiếp tục chờ giá thép giảm. Họ hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới giá thép có thể giảm về 13 - 13,5 triệu/tấn", ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết.
Diễn biến này đang tạo đà phục hồi cho ngành xây dựng khi lượng việc đang cải thiện về cuối năm.
"Vật liệu quan trọng nhất là thép đã bớt căng thẳng, các công ty xây dựng cũng làm quen với giá cao rồi. Tôi cho rằng ngành xây dựng đã qua thời kỳ khó khăn nhất", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nhận định.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn các dự án đầu tư công được đẩy mạnh, lượng việc của ngành xây dựng vì thế cũng tăng trở lại và giúp cho nhiều doanh nghiệp thép xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!