Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục

VTV Digital-Thứ ba, ngày 17/12/2024 06:38 GMT+7

VTV.vn - Tính đến hết tháng 11, kim ngạch giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Ngành gạo đang bội thu với những kỷ lục được lập mới.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh theo giá gạo thế giới, cụ thể tính đến cuối tuần trước giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang chào bán 505 USD/tấn, giảm nhẹ so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, ngành gạo lại đang gặt hái một mùa vàng bội thu, với những kỷ lục được lập mới.

Giá bình quân hàng năm của gạo Việt Nam xuất khẩu qua 10 năm trở lại đây. Một xu hướng tăng rõ rệt, tăng mạnh nhất là giai đoạn từ 2022 - 2024. Mỗi năm giá gạo của Việt Nam tăng thêm gần 70 USD/tấn. Sau 10 năm giá gạo xuất khẩu bình quân của chúng ta cũng tăng hơn 1,5 lần.

Đem biểu đồ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở trên, so sánh tương quan với lượng nhập khẩu gạo của thế giới, thì ta hiểu giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng khá ổn định. 2 năm qua, sản lượng gạo giao dịch trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, nhưng rõ ràng giá gạo xuất khẩu Việt Nam đi lên ổn định trong thời gian qua. Vậy phải chăng gạo Việt Nam đang thiết lập được một thị trường riêng, và ngày càng được giá.

Khẳng định vị thế gạo Việt

Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua đã có lúc đạt ngưỡng bình quân 650 USD/tấn.

Nhìn lại diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua, đã có lúc đạt ngưỡng bình quân 650 USD/tấn. Một ngưỡng cao của Việt Nam và liên tiếp trong nhiều tháng gạo Việt Nam giữ vị trí gạo đắt nhất thế giới với chủng loại 5% tấm. Mặc dù nửa cuối năm giá có sự suy giảm theo xu hướng của gạo thế giới khi Ấn Độ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của họ. Thì một vài tháng nay, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam cũng đã lấy lại ngưỡng trên 600 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, gạo Việt Nam giá tốt vì đáp ứng nhu cầu cao của nhiều thị trường trong năm vừa qua.

Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành Ngành gạo Tập đoàn Tân Long cho hay: "Do tình hình bão lũ cũng như biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng trong nước của các nước này cho nên Philippines, Indonesia, Malaysia, thậm chí là châu Phi tăng lượng nhập khẩu cuối năm làm cho nguồn cung trong nước bị cắt giảm và giá có biến động tăng".

Năm 2024 đã dần khép lại với những kết quả không thể đẹp hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo. Hạt gạo Việt Nam một lần nữa chứng minh là hạt ngọc quý giá với cả giá và kim ngạch không ngừng tăng ca.

Việc gạo Việt Nam ngày càng được giá thì đã rõ, nhưng có lẽ việc sản lượng và diện tích canh tác lúa gạo của Việt Nam đang có xu hướng giảm thì lại không phải ai cũng nắm được. Trong 10 năm qua diện tích giảm 751.000 ha, và kéo theo là sản lượng giảm hơn 2 triệu tấn. Nhìn vào xu hướng này, thì thấy rõ việc giảm diện tích, sản lượng sản xuất lúa trong nước đúng theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo của chúng ta.

Kết quả tái cơ cấu ngành lúa gạo

Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục - Ảnh 2.

Chất lượng đã góp phần tạo nên vị thế mới của gạo Việt Nam trên trường quốc tế, chứ không phải sản lượng nhiều.

Trung bình mỗi năm Việt Nam giảm trên 75.000 ha diện tích trồng lúa không hiệu quả, kéo theo giảm 209.000 tấn lúa. Đây là con số của 10 năm qua, và theo đại diện Cục trồng trọt, chính chất lượng đã góp phần tạo nên vị thế mới của gạo Việt Nam trên trường quốc tế, chứ không phải sản lượng nhiều, diện tích lớn như trước kia.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong chiến lược sản xuất của ngành gạo Việt Nam là việc chuyển từ ưu tiên sản lượng sang quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của gạo, và cũng phản ánh được năng lực sản xuất gạo của Việt Nam đang tăng lên, trình độ sản xuất của người dân và doanh nghiệp tăng lên, rồi chính sách điều hành về sản xuất xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang có bước tiến tốt".

Một trong những kết quả nhìn thấy rõ của quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo được thể hiện trong biểu đồ. Tính đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch giá trị xuất khẩu của Việt Nam đang đạt 5,3 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Nhìn xa hơn trong 10 năm qua, kim ngạch và sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam như hai người bạn đồng hành, tăng đều trong thời gian qua. Và từ chỗ Việt Nam bán những thứ gạo cấp thấp, thì nay ngành gạo đã có những doanh nghiệp sản xuất được những thứ gạo mà thị trường cần, chất lượng cao.

Gạo Việt chinh phục nhiều thị trường khó tính

Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục - Ảnh 3.

Việc đầu tư cho chất lượng đã giúp gạo Việt liên tiếp chinh phục các thị trường khó tính, đổi lại giá trị thu về lớn 30% so với thông thường.

Trúng thầu 50.000 tấn gạo thơm đi Hàn Quốc trong năm tới, chuẩn bị những bước cuối cùng đề đưa gạo với thương hiệu của chính mình lên thị trường Australia, đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc đầu tư cho chất lượng đã giúp họ liên tiếp chinh phục các thị trường khó tính, đổi lại giá trị thu về lớn 30% so với thông thường.

"Đề án 1 triệu ha để vận hành để sản xuất lúa và sản lượng gạo giảm phát thải đáp ứng nhu cầu của thế giới", ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành Ngành gạo, Tập đoàn Tân Long cho hay.

Với cơ cấu mùa vụ dày đặc trong năm, gạo Việt Nam cạnh tranh ở độ tươi mới và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đây chính là lý do ngành gạo của Việt Nam trong năm nay đạt mục tiêu sớm tới 1 tháng. Và cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Đà này thì hết năm chúng ta sẽ xuất khẩu trên 9 triệu tấn với giá trị lớn, gạo Việt Nam như chúng ta biết 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, nếu chúng ta làm thành công 1 triệu ha nâng cao năng suất, chất lượng và giảm phát thải thì vị thế hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế còn cao hơn nhiều".

Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt so với các nước. Tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao. Từ đó định hình thương hiệu gạo Việt Nam là phân khúc gạo chất lượng cao, và đây cũng là định hướng từ nay đến hết năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: "Phải có một cơ chế giám sát quy trình sản xuất đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, giữ vững được thương hiệu, uy tín hàng Việt Nam, không để mình làm một vài lô ban đầu rất tốt sau đấy chất lượng sẽ giảm dần, không được đồng đều".

Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục - Ảnh 4.

Việt Nam đang dần tạo dựng một ngành lúa gạo khác biệt so với các nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc.

Trước năm 1986, có nghĩa là cách đây gần 40 năm Việt Nam vẫn là một nước phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986 bắt đầu triển khai nhiều chính sách phát triển ngành lúa gạo. Và gạo Việt Nam bắt đầu được xuất khẩu vào năm 1989, hiện có mặt trên 150 quốc gia. Trong 10 năm trở lại đây Việt Nam luôn nằm trong top 3 các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên trong thời gian tới, muốn tiếp tục vươn lên vị trí cao hơn trong thị trường xuất khẩu gạo thế giới, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh ngành hàng lúa gạo theo hướng kiểm soát tốt chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để có thể giữ vững những thị trường khó tính để định vị thương hiệu gạo Việt Nam là gạo chất lượng cao, và một điểm nữa là phải gắn ngành lúa gạo với phát triển bền vững, phát triển xanh, gạo Việt Nam không chỉ ngon, mà phải còn có nhãn xanh với mục tiêu cuối cùng là tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa lên 30% so với trước đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước