Lúa gạo, rau quả là các mặt hàng có giá trị và khối lượng xuất khẩu cao nhất
Theo Cục Trồng trọt, tình hình sản xuất lúa và một số loại cây rau màu chủ lực tại các tỉnh phía Bắc năm 2023 được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị... đóng góp tích cực cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, rau quả.
Năm 2023, lúa gạo và rau quả là 2 mặt hàng có giá trị và khối lượng xuất khẩu cao nhất do nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi từ phía thị trường quốc tế. Giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng gần 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn với lúa gạo, nhờ kịp thời tăng sản lượng, xuất khẩu gạo đã đạt hơn 7,7 triệu tấn với giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 16% về khối lượng và hơn 36% về giá trị.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Song song tranh thủ thời cơ về thị trường xuất khẩu gạo nhưng vấn đề an ninh lương thực cũng cần đảm bảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 24 về đảm bảo xuất khẩu, tranh thủ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mới và phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo xuất khẩu".
Lúa gạo là một trong hai mặt hàng có giá trị và khối lượng xuất khẩu cao nhất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo dự báo của các cơ quan tài chính quốc tế, giá lúa gạo sẽ giữ ở mức cao đến 2025. Chính vì thế việc xây dựng kế hoạch sản xuất sẽ được điều chỉnh để tránh tối đa tác động của thời tiết, đảm bảo giữ sản lượng theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất cũng được chú trọng với giống lúa chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn.
Ngoài lúa gạo, mặt hàng rau quả cũng sẽ được chú trọng phát triển theo hướng cây ăn quả chủ lực. Những loại cây này sẽ được tổ chức sản xuất tập trung, đồng bộ, áp dụng những giải pháp kỹ thuật đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng, ứng dụng cơ giới hóa, bảo quản chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu 5,5 tỷ USD.
Tăng chất lượng rau quả hướng đến xuất khẩu
Với mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 5,5 tỷ USD, các địa phương sản xuất trọng điểm như Hải Dương đang tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chú trọng phát triển chất lượng, canh tác theo quy trình chuẩn để tiêu thụ thuận lợi, hướng đến xuất khẩu.
Hơn chục năm nay, bà Hương (xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã được học và canh tác cà rốt theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Mọi công đoạn sản xuất như gieo trồng, tưới tiêu đã được cơ giới hóa khiến việc làm nông không còn vất vả như trước.
Thêm vào đó, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, dùng giống tốt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cho phép, cà rốt luôn đạt hàm lượng dinh dưỡng cao, bán được giá.
Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Là tỉnh có thế mạnh sản xuất cây rau màu, riêng diện tích rau vụ đông tại Hải Dương đạt trên 22.000 ha. Nhờ xuất khẩu, giá trị sản xuất cao gấp hơn 2,2 lần trung bình các tỉnh phía Bắc. Chính vì vậy, việc trồng các cây có giá trị xuất khẩu được khuyến khích mở rộng.
Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: "Ở Hải Dương hiện nay riêng sản xuất nông nghiệp bà con nông dân chủ yếu theo định hướng của tỉnh, phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt nhóm cây trồng phục vụ xuất khẩu thì đang phát triển mạnh. Ở đây cây hành tỏi ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cao, còn có tác dụng cải tạo đất và giúp phát triển nông nghiệp bền vững".
Vụ đông năm 2023, giá trị sản xuất của Hải Dương đạt 210 triệu đồng/ha, tăng 4,5 triệu đồng/ha. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để tăng sản lượng xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!