Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.288 đồng, tăng 21 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng giá thấp nhất 23.073 đồng, cao nhất 25.502 đồng.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nâng giá USD lên kịch trần, đồng thời cũng vượt qua mức đỉnh lập hồi giữa năm nay. So với đầu năm, hiện giá USD trên thị trường chính thức cao hơn khoảng 4,4%.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 25.150 - 25.502 đồng, tăng 22 đồng so với hôm qua. BIDV cũng nâng giá USD lên 25.180 - 25.502 đồng. Tại Eximbank, giá mua bán USD lên 25.140 - 25.502 đồng.
Ngày 13/11, Giá USD trên thị trường chính thức tăng kịch trần lên 25.502 đồng và vượt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 6. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá USD tăng vọt trên kênh giao dịch chính thức, trên thị trường tự do, giá USD đang được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội niêm yết quanh vùng 25.540 đồng/USD (mua) và 25.650 đồng/USD (bán), tương ứng giảm 70 đồng so với hôm qua. Tính từ đầu năm, giá USD tự do cũng đã tăng gần 1.000 đồng.
Giá bán USD tại các ngân hàng bật tăng mạnh trong bối cảnh chỉ số USD Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng vọt lên gần 106 điểm, thiết lập mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.
Cùng với USD-Index, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng cao, khi thị trường dự đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Liên quan thị trường ngoại tệ, tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị VNĐ.
Cùng với đó là những chính sách kết hợp lãi suất và tỷ giá để sao cho việc nắm giữ VNĐ hấp dẫn và có lợi hơn như đưa lãi suất USD đưa về 0%, thực hiện các giải pháp để ổn định tỷ giá và ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm với biến động lên xuống mỗi ngày, từ đó, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Người dân và doanh nghiệp theo đó có USD bán cho tổ chức tín dụng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng chứng là dự trữ ngoại hối nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng trăm tỷ USD trong khi cuối năm 2015 chỉ có khoảng 30 tỷ USD.
"Nếu tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên thì đồng nghĩa với việc người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỷ giá, còn được lãi suất tiền gửi. Điều này có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại", Thống đốc cho hay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam là chống vàng hoá, hạn chế USD hoá. Chính vì thế, chủ trương áp lãi suất gửi ngoại tệ 0% sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng, chuyển hoá thành VNĐ để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!