Không nằm ngoài diễn biến chung của hầu hết phiên giao dịch trong tuần, giá vàng thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch cuối tuần 10/11, đánh dấu tuần rớt giá thứ hai liên tiếp do nhu cầu trú ẩn an toàn suy giảm. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 2,8%, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất trong 6 tuần.
Không có diễn biến bất ngờ lớn nào từ cuộc xung đột ở Trung Đông khiến sức hấp dẫn mua vàng để bảo toàn tài sản của các nhà đầu tư giảm bớt và giá vàng "hạ nhiệt" ngay từ phiên giao dịch đầu tuần (ngày 6/11).
Xu hướng này kéo dài sang hai phiên liền sau đó, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên. Các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này chưa đưa ra thời điểm cắt giảm lãi suất, trong khi tốc độ tạo việc làm của Mỹ chậm lại trong tháng 10/2023 giúp thị trường lao động tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới tài chính TD Securities, cho biết giới giao dịch sẽ bắt đầu xem xét các số liệu kinh tế và động thái tiềm năng của Fed. Vàng sẽ phản ứng dựa trên bất kỳ dữ liệu nào được công bố trong giai đoạn này. Chiến lược gia này nhận định thêm, nếu không sự suy giảm đáng kể trong các số liệu báo cáo, rất khó để giá vàng có động lực tăng cao hơn.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng về thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures cũng lưu ý, mức tăng mà vàng có được được từ xung đột Israel-Hamas đang bị xói mòn. Nếu xung đột leo thang thì giá vàng sẽ có thêm một số động lực thúc đẩy.
Điểm sáng duy nhất của thị trường vàng trong tuần này là phiên giao dịch 9/1, giá vàng đi lên khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại sự cần thiết của lãi suất cao trong việc kiềm chế lạm phát. Cũng trong phiên này, giá palladium, nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong ngành sản xuất ô tô, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1.000 USD/ounce kể từ năm 2018.
Ông Bart Melek, người đứng đầu về chiến lược hàng hóa tại TD Securities, dự báo giá vàng có thể tăng trên mức 2.100 USD/ounce trong quý II/2024 và chất xúc tác sẽ là việc Fed cần bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, quan điểm "cứng rắn" về vấn đề lãi suất của Chủ tịch Fed Jerome Powell lại gia tăng áp lực giảm cho kim loại quý này trong phiên cuối tuần 10/11. Chốt phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,1%, xuống còn 1.936,09 USD/ounce. Tính chung cả tuần qua, giá vàng giao ngay mất 2,8%, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất trong 6 tuần.
Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn giảm 1,6%, xuống 1.937,70 USD/ounce. Giá bạc cũng giảm 1,8%, xuống 22,21 USD/ounce.
Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính City Index cho biết: "Quan điểm diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell là nguyên nhân chính khiến giá vàng suy yếu trong tuần này. Bên cạnh đó, vàng cũng giảm giá khi nhu cầu tìm kiếm các kênh rủi ro của giới đầu tư được cải thiện trong các tuần gần đây".
Giá vàng đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong tuần trước do căng thẳng ngày càng gia tăng tại Trung Đông. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số đồng USD đều tăng trong tuần qua, khiến vàng ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals, cho biết: "Vàng sẽ tiếp tục đi ngang và giảm giá trong ngắn hạn trừ khi chúng ta chứng kiến sự leo thang của các sự kiện địa chính trị, báo cáo kinh tế yếu kém của Mỹ hoặc nếu Fed đưa ra tín hiệu cho thấy cơ quan này đã hoàn tất lộ trình nâng lãi suất".
Lễ hội Ánh sáng Diwali tại Ấn Độ đã thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất tại nước này, nhưng thông tin cho thấy lượng mua phần nào thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá cao hơn khiến một số khách hàng không muốn mua vào.
Cũng trong tuần này, giá bạch kim hạ 2% xuống 842,34 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2021. Giá palladium trượt 2,8% còn 964,25 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều được các nhà chế tạo ô tô sử dụng trong các thiết bị nhằm giảm lượng khí thải động cơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!