Trong khi đó, lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đã dịu bớt phần nào.
Vàng đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (23-24/5), đánh dấu phiên tăng giá thứ năm liên tiếp kéo dài từ tuần trước và chạm mức cao nhất trong hai tuần.
Đồng USD đã rơi xuống mức thấp của một tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm do "sắc đỏ" trên thị trường chứng khoán đã hồi sinh nhu cầu tài sản an toàn.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada) cho biết các nhà giao dịch vàng đang ngày càng hoài nghi về việc FED sẵn sàng ứng phó với một cuộc suy thoái không trong bối cảnh những lo ngại kinh tế ngày càng gia tăng đang "tiếp sức" cho thị trường vàng.
Kim loại quý này vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và đối phó với lạm phát, tuy nhiên lãi suất tăng sẽ tác động đến kim loại quý không sinh lời này.
Theo Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta, Raphael Bostic, nếu FED tiến hành tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng Sáu và tháng 7/2022 như Chủ tịch FED Jerome Powell đã báo hiệu, thì việc tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9/2022 là điều hợp lý.
Trong khi đó, ông David Meger, Giám đốc kinh doanh vàng tổ chức tài chính High Ridge Futures (Mỹ) cho biết, thị trường vẫn đang hoài nghi việc tăng lãi suất có đủ để ngăn chặn sức ép lạm phát trong ngắn hạn hay không.
Tuy nhiên, đà tăng của vàng đã bị chặn lại trong phiên 25/5 và tiếp tục hạ nhẹ phiên 26/5, khi kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của FED khiến kim loại quý giảm sức hút đối với giới đầu tư, cùng với đó là áp lực gia tăng từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn như hiện nay, nhưng nó cũng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Nguyên nhân là lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/5, giá vàng đảo chiều đi lên. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.852,22 USD/ounce, qua đó ghi nhận mức tăng 0,4% cho cả tuần. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,2%, lên 1.851,3 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: "FED đang bám sát quan điểm của mình ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn có sự không chắc chắn về những gì sẽ diễn ra sau hai lần tăng lãi suất vừa qua."
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm trong phiên này, sau khi có thời điểm tăng ngắn nhờ dữ liệu chi tiêu mạnh. Trong khi đó, đồng USD hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Biên bản cuộc họp chính sách ngày 3-4/5 của FED được công bố vào ngày 25/5 vừa qua cho thấy Fed đang vật lộn để điều hướng nền kinh tế theo hướng "hạ nhiệt" lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, cho biết: "Vàng có vẻ đã tìm thấy mức giá thực của nó và có khả năng dao động quanh mức 1.840- 1.860 USD/ounce cho đến khi có một chất xúc tác mới".
Cũng trong phiên cuối tuần, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 22,04 USD/ounce, thiết lập mức tăng 1,4% trong tuần. Giá palladium tăng 2,3% lên 2.060,36 USD/ounce, đạt mức tăng 4,8% trong tuần, mức cao nhất kể từ đầu tháng Tư. Còn giá bạch kim tăng 0,1%, lên 950,59 USD/ounce.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!