Theo ghi nhận lúc 9h30, giá vàng miếng tại SJC lên mức kỷ lục mới 86,2 - 88,5 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng miếng giao dịch tại các đơn vị kinh doanh khác cũng đi lên, nhưng neo thấp hơn SJC. PNJ yết giá vàng miếng tại 86 - 88 triệu đồng. Còn tại DOJI và Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng vẫn dưới 88 triệu đồng một lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng ngay sau phiên đấu thầu thứ 2 thành công của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 8/5. Trước đó, ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 3 thành viên với giá trúng thầu cao nhất, thấp nhất cùng 86,05 triệu đồng/lượng. Đây là phiên đấu thầu thứ 2 thành công với cùng khối lượng trúng thầu kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương đấu thầu vàng miếng.
Đây là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại lần đấu giá này, khối lượng đăng ký tối thiểu đã giảm một nửa so với quy định ở các phiên trước. Những lần trước đó, Ngân hàng Nhà nước quy định mỗi thành viên tham gia dự thầu đặt thầu khối lượng tối thiểu là 14 lô (1.400 lượng).
So với lần gọi thầu gần đây nhất, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc phiên 8/5 đã tăng thêm 2,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô, tương đương 700 lượng. Khối lượng tối đa vẫn tương đương lần gọi thầu gần đây với 20 lô tương đương 2.000 lượng.
Theo các chuyên gia, việc giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu nhằm giảm nguồn tiền, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu thầu.
Giá vàng thế giới "mắc kẹt"
Trên thị trường thế giới, thời điểm 8h30 sáng 9/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.311 USD/ounce, giảm nhẹ 2 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Thị trường tài chính quốc tế bước vào tuần không có thông tin kinh tế được công bố tác động, khiến giới đầu tư giao dịch trong ảm đạm. Các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch trên thị trường đang tin rằng có khoảng 66% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Mặc dù vàng vẫn đang bị mắc kẹt, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan về kim loại quý này khi cho rằng căng thẳng đã giảm nhưng chưa hết và các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì việc bổ sung vàng. Các báo cáo mới đây cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 1,9 tấn vàng trong tháng 4, đánh dấu tháng bổ sung thứ 18 liên tiếp.
Trước đó, vào giữa tháng 4, giá vàng thế giới đã chạm mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce khi được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!