Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gia vị hàng đầu thế giới, với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Những mặt hàng gia vị đang là "ngôi sao" xuất khẩu gồm tiêu, quế, hoa hồi, ớt, đinh hương … Đây là những sản phẩm có giá trị và sản lượng xuất khẩu tăng cao. Bên cạnh việc gia tăng sản phẩm chế biến, thì xúc tiến thương mại cũng đóng vai trò quan trọng để đưa gia vị Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới.
7 tháng đầu năm 2024 công ty xuất khẩu hạt tiêu cho biết tiếp tục duy trì 8% thị phần toàn cầu. Mức giá xuất khẩu bình quân tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp cho biết, để chinh phục các thị trường khó tính, phải chọn hướng chế biến sâu từ tiêu sấy lạnh, nước sốt tiêu, bột tiêu …mới có thể gia tăng giá trị.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng xây các nhà máy lớn, nhỏ chế biến cũng như tìm các nguồn nguyên liệu phát triển mạnh. Đặc biệt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ESG".
Không chỉ hạt tiêu mà các gia vị khác cũng chọn hướng đi là chế biến hoàn chỉnh sản phẩm thuần tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài nhiều khi phải mất 1-2 năm cho nên doanh nghiệp cũng phải kiên trì tham gia, vì đến triển lãm thì mới có cơ hội tiếp cận với các nhà nhập khẩu", ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty Dh Foods chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, riêng tháng 6, Việt Nam xuất khẩu trên 28.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch tăng, đạt hơn 141 triệu USD. Ngoài ra, cây quế Việt Nam cũng đang đứng đầu thế giới về sản lượng với thị trường xuất khẩu chính là Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh…xuất khẩu gừng, tỏi, nghệ của Việt Nam cũng tăng 3-14 lần so với cùng kỳ năm ngoái, thu về hàng triệu USD.
Ông Đỗ Hà Nam - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết: "Đang chiếp 50% thế giới có nghĩa là quyền định đặt giá đang ở trong tay chúng ta thì sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữa Hiệp hội và các doanh nghiệp là thường xuyên có một sự phối hợp chặt chẽ thì chúng ta sẽ bảo đảm lợi ích cho người nông dân bền vững".
Để ổn định vị thế, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư chế biến sâu, phát triển các vùng trồng chất lượng cao, hữu cơ và xúc tiến thương mại theo hướng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!