Nguyên nhân là xăng dầu không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn là yếu tố đầu vào liên quan đến hầu hết hàng hóa khác.
Chi phí đầu vào, chi phí logistics là áp lực của các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn suốt từ đầu năm tới nay. Với việc giảm giá xăng dầu giảm, nhiều doanh nghiệp cho biết, đây sẽ là động lực để kéo giảm một phần chi phí sản xuất, giúp doanh nghiệp yên tâm thực hiện chương trình bình ổn.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, việc giá xăng dầu giảm mạnh trong bối cảnh hiện nay không chỉ cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát mà còn giúp các doanh nghiệp có điều kiện để điều chỉnh cơ cấu giá thành, vốn đang chịu áp lực bởi chi phí logistic tăng cao.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: "Trong cơ cấu giá thành, chi phí logistics chiếm 20%, khi giá xăng dầu giảm thì chi phí logistics giảm. Giá thành từ đó cũng giảm xuống. Được Chính phủ hỗ trợ nên chúng tôi hy vọng cơn "bão giá" sẽ chựng lại".
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn khó dự đoán, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành có thể xem xét đề xuất việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng có thể điều chỉnh giảm xuống nữa, tạo trợ lực giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!