Trong báo cáo về tình hình sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm công bố mới đây, Bộ Công Thương cho biết, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có xu hướng tăng theo xu hướng giá thế giới, riêng giá xăng trong nước tăng cao chưa từng có, tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tại kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 1/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng, dầu tại thị trường trong nước. Đây là lần thứ 6 giá xăng dầu tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 550 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, dầu hỏa tăng 470 đồng/lít, còn dầu mazut tăng 530 đồng/kg.
Như vậy, sau điều chỉnh, hiện xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa trên thị trường là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.
Trước tình hình giá xăng trong nước tăng mạnh, Bộ Công Thương lo ngại việc này sẽ gây ra những biến động xấu đối với điều hành giá, gây lạm phát và hạn chế hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Việc tính toán rà soát lại nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cấu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5 - 8% mức giá cơ sở.
Trước thực trạng giá xăng tăng cao, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc sửa đổi 6 luật thuế: Thuế bảo vệ môi trường, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tài nguyên, Thuế xuất nhập khẩu.
Hiện giá xăng dầu trong nước đang chịu áp lực lớn từ đà tăng mạnh của giá dầu thế giới. Đáng chú ý, ngày 24/2, giá dầu Brent phá ngưỡng 105 USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2014 trước những căng thẳng Nga - Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!