Giải bài toán về vốn cho kinh tế xanh ở Việt Nam

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 05/10/2024 07:30 GMT+7

VTV.vn - Để thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới mục tiêu Net-Zero, Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững. Sự kết nối, hỗ trợ giữa tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam bền vững hơn theo xu thế toàn cầu. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới mục tiêu Net-Zero, Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, sớm xây dựng hệ thống Danh mục xanh với các chỉ tiêu đánh giá cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, khối ngân hàng và quỹ tài chính trong, ngoài nước tham gia vào quá trình tăng trưởng tài chính xanh.

Cần nguồn lực rất lớn

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Giải bài toán về vốn cho kinh tế xanh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Xu thế chuyển đổi xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%. Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết, nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. 

Nhiều thách thức cấp bách đặt ra 

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tài chính xanh bao gồm các chính sách và công cụ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, chuyển đổi năng lượng, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.

Nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Nguồn lực từ ngân sách nhà nước như: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế; nguồn lực từ khu vực tư nhân như: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…; nguồn lực từ hỗ trợ quốc tế (ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh) và nguồn cộng đồng xã hội khác như vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động và phát triển dòng vốn xanh cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn gặp phải một số tồn tại như hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ; Chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; Hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV nhấn mạnh, khó khăn cơ bản đang hiện rõ là quy định về phân loại xanh của Việt Nam chưa được ban hành; Nhận thức của thị trường đối với trái phiếu xanh chưa đồng đều; Sự tự nguyện thực hiện chuyển đổi xanh của doanh nghiệp hạn chế; chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh.

Giải bài toán thúc đẩy dòng vốn xanh

Từ thực trạng đó, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính xanh ở Việt Nam. Theo ông Lê Hoàng Lân - Chuyên viên chính Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. 

Hiện nhận thức và năng lực của các Tổ chức tín dụng (TCTD) trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế nên đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh. Nhà nước cũng cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh. 

Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành. Nâng cao năng lực để phát triển sàn giao dịch trái phiếu xanh; cần đề ra chính sách ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh. 

TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra giải pháp đối với tín dụng xanh, trong đó nhấn mạnh việc cần xây dựng Quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi; TCTD xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau; tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất - tiêu dùng xanh... để các hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn.

Còn ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng, để giải bài toán này phải chú trọng một số vấn đề: Cần sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh và xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Cần ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường. 

Nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh; duy trì, mở rộng các cơ chế hỗ trợ chi phí phát hành, tư vấn kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong phát hành. “Doanh nghiệp nên lựa chọn sản phẩm trái phiếu ESG (xanh, bền vững, liên kết bền vững...) phù hợp mục đích cụ thể của doanh nghiệp ở từng giai đoạn/lộ trình phát triển. Đồng thời, xây dựng tổng thể chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, trong có xác lập kế hoạch phát hành trái phiếu ESG và tìm kiếm các kênh hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức trong nước, quốc tế có kinh nghiệm”, ông Sơn khuyến nghị doanh nghiệp./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước