Khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã, đang xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Hơn 70.000 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản; 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Nói điều đó để có thể thấy sau 2 tuần ban hành Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Quyết định 23 việc giải ngân gói 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ cụ thể, cần phải triển khai rất nhanh để hỗ trợ đến được đúng đối tượng, tiếp sức cho người lao động và doanh nghiệp trong thời điểm này. Tuy nhiên, tiến độ ở các địa phương cũng rất khác nhau.
Nhận được tiền hỗ trợ, người lao động vui mừng
Đời sống của hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch kéo dài. Nhiều ngành nghề như du lịch, dịch vụ, giáo viên mầm non phải ngừng hoạt động hoàn toàn thì gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn giúp họ cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Là giáo viên mầm non ngoài công lập xa nhà, những ngày nghỉ dịch chị Chu Thị Quỳnh, giáo viên trường mầm non Hoa Trạng Nguyên, TP. Thái Nguyên phải xin tiền của bố mẹ, vay nợ và đi trông trẻ theo yêu cầu của các gia đình để trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước… Vì vậy, khi biết mình là một trong những lao động đầu tiên trên cả nước được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ, chị rất vui mừng và xúc động. "Gói hỗ trợ đến với tôi rất kịp thời. Tôi rất vui", chị Chu Thị Quỳnh tâm sự.
Trường mầm non ngoài công lập Hoa Trạng Nguyên có gần 100 lao động phải ngừng và giãn việc vì dịch. Thu nhập bình quân từ 4,7 triệu đồng/người/tháng giảm xuống còn 2,3 triệu đồng năm 2021.
Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên đầu tiên được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt 133 triệu đồng hỗ trợ cho 33 lao động của trường, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Dự kiến, tháng 8 sẽ là tháng cao điểm chi trả trợ cấp của các địa phương trên cả nước.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức vượt qua đại dịch
Triển khai kịp thời gói hỗ trợ sẽ là "liều thuốc" hiệu quả giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất và người lao động cầm cự qua dịch. (Ảnh minh họa)
Việc tiếp sức cho người lao động và doanh nghiêp rất cần thiết lúc này. Gói 26.000 tỷ đồng tập trung vào hai nhóm là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Gói hỗ trợ này đã được thiết kế đơn giản và dễ dàng tiếp cận hơn.
Gần hai năm hoạt động cầm chừng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến cho công ty Vận tải Hà Lan, Thái Nguyên cùng khó khăn. Công ty đã cắt giảm chuyến xe, bù lỗ, giảm một nửa số lao động… Trong lúc này, công ty mong mỏi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì hoạt động.
So với lần trước, thủ tục để nhận hỗ trợ lần này nhanh gọn hơn. Trong vòng 1 tuần, công ty đã hoàn thiện xong các giấy tờ cần thiết. 3 tỷ đồng tiền vay với lãi suất 0% đã giúp doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho 600 lao động. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệu của UBND tỉnh.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hàng nghìn doanh nghiệp điêu đứng, hàng triệu người lao động lâm vào tình cảnh mất việc. Do đó, việc triển khai kịp thời gói hỗ trợ sẽ là "liều thuốc" hiệu quả giúp giúp doanh nghiệp tồn tại, khôi phục sản xuất và người lao động cầm cự qua dịch.
Đến thời điểm này, bảo hiểm xã hội cho biết đã hoàn thành giảm mức đóng góp 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp. Việc hoàn thành giảm mức đóng nêu trên tương ứng 11,2 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này với số tiền tạm tính trên 4.300 tỷ đồng. Như vậy, đây là chính sách đầu tiên đã được thực hiện trong 12 chính sách của gói 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên những chính sách còn lại thì chưa được như vậy. "Triển khai chậm là có lỗi, trục lợi là có tội với dân". Đây là lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội khẳng định khi triển khai giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Bây giờ, người dân, doanh nghiệp đang rất cần những lời nói đó được thực hiện trên thực tế.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 20/7 với khách mời là ông Vũ Trọng Bình, Cục Trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!