Giải ngân vốn đầu tư công đối mặt "áp lực kép"

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 08/02/2023 21:21 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được người đứng đầu Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nay.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 80,6% kế hoạch, tương ứng gần 540.000 tỷ đồng, đạt chưa đến 93% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cả năm trước đó. Sang năm nay, giải ngân vốn đầu tư công sẽ đối mặt "áp lực kép" khi vừa phải giải ngân số vốn kỷ lục vừa phải giải ngân kế hoạch vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang.

Chính vì vậy, ngoài việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, các bộ ngành, địa phương còn phải khắc phục sớm những khó khăn vướng mắc, quyết liệt tìm các giải pháp cụ thể, thiết thực hơn để đảm bảo tiến độ cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm theo đúng tinh thần trong Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt lớn nhất kéo chậm tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm qua, nên ngay sau khi Chính phủ phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm nay, TP Hà Nội đã xác định mục tiêu giải ngân vốn là phải có trọng tâm trọng điểm, phân cấp uỷ quyền tập trung để gỡ khó giải phóng mặt bằng và triển khai các dự trọng điểm là Vành đai 4; 3,5; 3 và các dự án giao thông liên kết vùng.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Tất cả những cơ chế chính sách được rà soát, nhận diện và có cái chuẩn bị sớm, đặc biệt là vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng. Vừa qua, thành phố cũng ban hành cơ chế chung cho toàn bộ các quận, huyện trên Vành đai 4 có một cơ chế chung, tạo cho các quận huyện triển khai đồng bộ và thống nhất".

Giải ngân vốn đầu tư công đối mặt áp lực kép - Ảnh 1.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được người đứng đầu Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nay. Ảnh minh họa.

Giao thông vận tải là lĩnh vực được giao vốn đầu tư công nhiều nhất từ trước tới nay với hơn 94.100 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm ngoái. Trung bình mỗi tháng ngành này phải giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng. Áp lực lớn, song việc Chính phủ phân bổ sớm nguồn vốn đã giúp ngành giao thông vận tải có sự chuẩn bị, khắc phục các yếu kém được chỉ ra từ trước là tiền đề tốt cho việc giải ngân tối đa nguồn vốn này trong năm nay.

Ông Bùi Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho hay: "Bộ Giao thông vận tải giao từ rất sớm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án, phân công các cán bộ có trách nhiệm bám sát, vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, vừa bám sát công việc cụ thể. Các cơ quan của Bộ không đứng ngoài cuộc mà đồng hành, thường xuyên kiểm tra giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc khó khăn có thẩm quyền của các chủ đầu tư để báo cáo lãnh đạo Bộ giải quyết lại".

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được người đứng đầu Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm nay. Vì vậy, để tăng tốc giải ngân, việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương và các ban quản lý dự án trong quyết định đầu tư, tránh phân bổ vốn chậm, dàn trải sẽ là khâu then chốt.

Trên 90% vốn đầu tư công đã được phân bổ

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đến nay đã phân bổ được trên 638.613 tỷ đồng, đạt trên 90,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương trên 707 nghìn tỷ đồng.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là trên 104,6 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là trên 101,6 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là gần 3000 tỷ đồng.

Trong tháng 1, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt có 1,72% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Sớm phân bổ vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

Với TP Hồ Chí Minh, năm 2022, dù có nhiều cố gắng, nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt chưa đến 70% kế hoạch vốn được giao. Bước sang 2023 là năm trọng điểm triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ các năm trước, sớm phân bổ vốn ngay từ những ngày đầu của năm và vạch ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công tốt hơn.

Năm 2023, TP Hồ Chí Minh phân loại 4 nhóm dự án đầu tư công. Mỗi nhóm quy rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và chủ đầu tư. Mục tiêu là giảm thời gian triển khai các thủ tục.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay: "Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công thì cơ quan sở ban ngành liên quan giải quyết tối đa, giảm 30% thời gian so với quy định. Còn trong quá trình phối hợp, các cơ quan cùng nhau họp để lập biên bản họp…"

Giải ngân vốn đầu tư công đối mặt áp lực kép - Ảnh 2.

Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu vướng mắc nhất trong triển khai đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu vướng mắc nhất trong triển khai đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh. Năm nay, số lượng dự án giải phóng mặt bằng và có cấu phần bồi thường chiếm 30% trong tổng số dự án đầu tư công.

Để không bị kéo dài và rồi đội vốn, thành phố tổ chức 3 tổ công tác gồm tổ mặt bằng, tổ ODA và tổ dự án lớn. TP Hồ Chí Minh cũng ưu tiên bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn.

"Đối với các dự án phân bổ vốn đề nghị các chủ đầu tư có kế hoạch triển khai ngay. Đến cuối tháng 2 phải báo cáo lại, dự án này năm nay được phân bổ bao nhiêu vốn thì kế hoạch triển khai như thế nào", ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Với các dự án danh mục dự phòng, thành phố yêu cầu chuẩn bị thủ tục để phân bổ vốn trước nửa đầu 2023. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế mạnh mẽ như kiến nghị hội đồng nhân dân được quyết định dự án độc lập công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng...

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Thành viên Hội đồng Khoa học TP Hồ Chí Minh cho biết: "Những dự án những công trình giao thông trọng điểm của thành phố liên quan đến các Bộ ngành trung ương, các Bộ ngành trung ương sẽ phải phối hợp tốt nhất với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng như các sở ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai trong thời gian sớm nhất".

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công TP Hồ Chí Minh là hơn 70 nghìn tỷ đồng bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương, cao gần gấp 2 lần so với năm 2022. Đây là thách thức không nhỏ.

Năm 2022, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư và một số chủ đầu tư tự nhận không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục áp đầu tư công là một trong những chỉ tiêu để xếp loại thi đua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước