Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 19 bộ, cơ quan trung ương, tương đương hơn 36%, chưa có báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 gửi Bộ Tài chính.
Thậm chí, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 14/33 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Hải Phòng (100%), Ninh Bình (100%).
Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, kết thúc năm ngân sách 2022 (tính đến 31/1/2023), ước tính tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân này chưa đạt như kỳ vọng.
Để tăng tốc trong năm nay nhiều dự án đã thi công xuyên Tết. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nằm trong 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Các nhà thầu đang tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa dự án giúp kết nối toàn diện Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh theo trục dọc.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện có 10 mũi thi công được triển khai trên toàn dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Mình là người đi theo tiến độ của công trình. Anh em hợp sức với nhau để làm cho kịp tiến độ của dự án", ông Nguyễn Văn Cảnh, Chỉ huy công trường, Công ty CP Tân Nam, cho biết.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111 km và tuyến nối gần 26 km. Để có được các đoạn định hình như hiện nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tổ chức phát quang, đào, đắp cát nền đường xuyên Tết. Phương châm là có mặt bằng đến đâu, sẽ thi công đến đó.
Chủ đầu tư cam kết, trong năm nay, dự án sẽ hoàn thành 35% tổng giá trị xây lắp. Cơ sở của cam kết này là mặt bằng đã được bàn giao khoảng 90% và bà con có đất bị ảnh hưởng rất đồng thuận do được bồi hoàn thỏa đáng.
Đường xe mình chật chội. Đi đâu cũng khó khăn. Giờ nhà nước mở đường này thì mình phải đồng tình. Sau này đường thông thoáng, kinh doanh, buôn bán, đi đâu cũng dễ", ông Mai Văn Beo, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, chia sẻ.
Trà Vinh khởi công 25 công trình, dự án mới
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh cũng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%, cao hơn so với bình quan chung của cả nước. Ngay từ đầu năm nay, địa phương này cũng đã khởi công được 25 công trình, dự án mới. Có mặt bằng sạch, dự án đã sẵn sàng triển khai.
"Huy động thiết bị vật tư, con người để triển khai thi công. Những vị trí ưu tiên thi công trước, những vị trí thi công theo giai đoạn kỹ thuật để đảm bảo giải ngân của năm 2023", ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông tỉnh Trà Vinh, cho biết.
"Các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua phải tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng thật tốt để đảm bảo đầu tư công năm 2023", ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho hay.
Ngân sách Nhà nước trích ra để phát triển cơ sở hạ tầng cũng chính là để phục vụ nhu cầu của người dân. Hôm nay (2/7), tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!