Ảnh minh họa - Dân trí.
Giải ngân vốn ODA mới đạt gần 3% kế hoạch cả năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 Thậm chí, có nhiều bộ, ngành, địa phương hiện chưa giải ngân được đồng nào. Nếu không sớm được cải thiện, một nguồn lực rất lớn cho phát triển sẽ tiếp tục bị lãng phí.
Dự án Cầu Trần Hoàng Na sử dụng gần 800 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Sau hơn 1 năm chậm trễ thủ tục đấu thầu thì công trình trọng điểm của TP Cần Thơ lại đối mặt với nguy cơ chậm tiếp do kết cấu chính của dự án là vòm thép được giao cho một doanh nghiệp thương mại, không có nhà máy, không có công nhân có kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất.
Lo ngại về tiến độ cũng như chất lượng công trình, nhà thầu chính đã nhiều lần đề xuất bổ sung thêm các nhà thầu phụ có đủ năng lực và kinh nghiệm, nhưng sau nhiều tháng vẫn không nhận được sự chấp thuận của Ban Quản lý dự án.
Những hạn chế đã khiến giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng qua chỉ đạt chưa đến 3% kế hoạch năm, thấp nhất so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Trong đó, các bộ, ngành mới chỉ giải ngân đạt hơn 7,6% bằng một nửa so với cùng kỳ của năm trước và đặc biệt có tới 37 địa phương hiện chưa giải ngân đồng nào.
Hai địa phương có số vốn giải ngân cao nhất là Hà Nội hơn 7% và TP Hồ Chí Minh gần 9,4%.
Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này, Bộ Tài chính đã liên tiếp tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và 63 địa phương nhằm tổng hợp những khó khăn vướng mắc trình Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Giải ngân vốn ODA chậm còn do nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19 đã khiến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nếu các bộ, ngành và địa phương không đẩy nhanh trình tự thủ tục triển khai các dự án, đặc biệt không nâng cao năng lực, tính tự chủ và gắn trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án với tiến độ giải ngân thì việc giải ngân ODA năm nay khó đạt được kế hoạch như đã đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!