Theo thống kê của ADB, Việt Nam đã có sự bứt phát mạnh mẽ trở thành một trong những thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhất châu Á cùng với Trung Quốc và Malaysia. Hiện nay quy mô thị trường của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, Philippines nhưng vẫn cách xa mức 23% GDP của Thái Lan, 50% của Singapore hay 80% của Hàn Quốc.
Trái phiếu là 1 trong 3 chân kiềng vững chắc của một thị trường tài chính phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, so sánh với các kênh huy động vốn trong nước, tổng huy động của cả trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ vẫn không bằng huy động qua cổ phiếu và nếu so với huy động qua tín dụng thực sự khập khiễng khi tổng quy mô tín dụng nửa đầu năm nay là 8,48 triệu tỷ đồng, tương đương 138,5% GDP, tức gấp 10,75 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị định 81 đã có những tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Sự xuất hiện của khung pháp lý mới - Nghị định 81 từ 1/9 tới đây hay các Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sửa đổi từ đầu năm 2021 đang được kỳ vọng là cú huých cho sự phát triển tuy có phần muộn màng nhưng đang tiệm cận hơn với các thông lệ quốc tế cho thị trường trái phiếu Việt Nam.
Nếu 6 tháng đầu năm, đến 94% là phát hành riêng lẻ với tiêu chuẩn thông tin thấp và chỉ có duy nhất một trường hợp phát hành ra công chúng của Masan, những tháng gần đây đã chứng kiến nhiều đơn vị lần đầu phát hành ra công chúng như Phát triển Đô thị Kinh Bắc hay Dược Lâm Đồng.
Quy định đợt phát hành sau cách đợt trước tối thiểu 6 tháng sẽ làm nhiều doanh nghiệp tham gia phát hành ra công chúng hơn, đồng nghĩa nhà đầu tư đại chúng sẽ có thêm lựa chọn từ các sản phẩm trái phiếu minh bạch về thông tin. Kênh trái phiếu riêng lẻ với điều kiện phát hành lỏng hơn sẽ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!