Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Cần sớm bỏ tâm lý "ôm" vốn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 23/11/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Để tránh lãng phí nguồn lực ODA cho đầu tư phát triển, các Bộ và địa phương cần sớm bỏ tâm lý khư khư "ôm" vốn, đến sát nút không thể giải ngân mới trả lại vốn.

Tỷ lệ giải ngân ODA liên tục giảm mạnh

Chiếm hơn 15% tổng vốn đầu tư công, thời gian qua nguồn vốn ODA đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Từ năm 1993 đến nay, tổng vốn ODA Việt Nam đã được ký kết đạt trên 86 tỷ USD.

ODA tức là hỗ trợ phát triển chính thức, có thể hiểu là việc các tổ chức quốc tế hoặc Chính phủ của một nước đầu tư cho một nước khác đang phát triển để hỗ trợ nước đó phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, thời gian qua việc việc sử dụng vốn ODA cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như tỷ lệ giải ngân đạt thấp, tình trạng lãng phí, thất thoát, dùng sai mục đích... trong quá trình sử dụng nguồn vốn này.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Cần sớm bỏ tâm lý ôm vốn  - Ảnh 1.

Thời gian qua nguồn vốn ODA đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Ảnh minh họa - Dân trí.

Tổng vốn ODA được Quốc hội phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020 là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả giải ngân luôn không đạt kế hoạch và thấp dần theo từng năm.

Nếu như năm 2016 giải ngân nguồn vốn này đạt trên 81% kế hoạch thì các năm sau đó, tỷ lệ giải ngân liên tiếp giảm dần. Đặc biệt 10 tháng của năm 2020, giải ngân chỉ đạt trên 30% kế hoạch.

Dự kiến, đến hết năm nay, vẫn còn gần một nửa trong tổng số vốn phải giải ngân của cả giai đoạn 2016 - 2020 chưa được giải ngân. Hậu quả là tốc độ giải ngân vốn ODA trong giai đoạn này chỉ bằng một nửa giai đoạn trước.

Không những thế, đã xuất hiện tình trạng nhiều Bộ ngành địa phương đã trả lại vốn ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sắp tới.

Lãng phí nguồn lực cho đầu tư phát triển

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nguồn vốn nhà nước dành cho đầu tư phát triển luôn thiếu thì ODA đã trở thành nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc giải ngân vốn ODA chậm trễ khiến cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách phải nằm chờ vốn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế.

Không những thế, giải ngân vốn ODA không đúng tiến độ còn khiến nhà nước phải chịu thêm các khoản phí và lãi vay, uy tín của quốc gia bị ảnh hưởng…

Nhiều năm trước, phải đến những ngày cuối năm các chủ dự án mới báo cáo không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ODA và xin được điều chuyển vốn sang năm sau. Nhưng năm nay là năm giao thoa giữa kế hoạch trung hạn của 2 giai đoạn, vì vậy những dự án chưa giải ngân hết sẽ không được chuyển tiếp sang năm tới mà phải báo cáo Chính phủ để đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 trình Quốc hội thông qua.

Thực tế năm nay đang xảy ra nghịch lý, các Bộ, ngành địa phương luôn kêu thiếu vốn, nhưng lại xin trả lại một lượng lớn vốn ODA vì không thể giải ngân.

Nghịch lý thiếu vốn nhưng xin trả lại tiền

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Cần sớm bỏ tâm lý ôm vốn  - Ảnh 2.

Để tránh lãng phí nguồn lực ODA cho đầu tư phát triển, các Bộ và địa phương cần sớm bỏ tâm lý khư khư "ôm" vốn, đến sát nút không thể giải ngân mới trả lại vốn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Năm nay, lần đầu tiên có nhiều Bộ ngành và địa phương xin trả lại vốn ODA. Điển hình như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả hơn 1.800 tỷ đồng, bằng một nửa tổng vốn được giao. Tính chung, các Bộ, ngành và địa phương đã xin trả lại 11.000 tỷ đồng chiếm gần 1/5 tổng vốn ODA của cả năm.

Cũng trong năm nay đã có trên 30 hiệp định vay ODA phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với các nhà tài trợ. Điều này khiến các dự án phải trả thêm phí cam kết với phần vốn vay chưa thể giải ngân, thậm chí mất luôn nguồn vốn này.

Bà Caorolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Một số dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay TP.HCM sắp hết hạn và nếu muốn gia hạn dự án Chính phủ Việt Nam cần có văn bản chính thức với Ngân hàng Thế giới. Nếu không những dự án này sẽ phải đóng vào cuối năm nay và đồng vốn của Việt Nam sẽ bị mất. Nguồn vốn này nếu vẫn muốn sử dụng cần phải hoàn thành các thủ tục hủy vốn để sử dụng cho các dự án mới".

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức giao ban hàng tháng với các Bộ, ngành và địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA. Nhưng hiệu quả không cao khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020 mà vẫn còn gần 2/3 tổng vốn ODA của năm nay chưa được giải ngân.

Để tránh lãng phí nguồn lực ODA cho đầu tư phát triển, các Bộ và địa phương cần sớm bỏ tâm lý khư khư "ôm" vốn, đến sát nút không thể giải ngân mới trả lại vốn.

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nguồn thu của ngân sách trong năm nay và các năm tiếp theo, nên nguồn vốn vay ODA sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế của giai đoạn tới.

Do vậy, nâng cao hiệu quả các khoản vay ODA, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới phải sát với thực tế để tận dụng tối đa nguồn lực này, qua đó tránh gia tăng nợ công là yêu cầu đặt ra với các Bộ, ngành và địa phương hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước