Giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 27/11/2022 13:24 GMT+7

VTV.vn - Từ nhà đầu tư cá nhân, tới doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay có nhu cầu vay vốn và cơ quan quản lý đều đang nóng lòng tìm giải pháp cho bài toán dòng tiền.

Củng cố niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp được coi là một công cụ huy động vốn đắc lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, trong tháng 10 chỉ có duy nhất 1 trái phiếu được phát hành trên toàn thị trường, với trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Từ khóa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp của Bộ Tài chính tuần qua cũng chính là niềm tin. Làm sao để trái chủ phân loại được trái phiếu đang nắm giữ là tốt hay không, thay vì có cái nhìn phiến diện, đánh đồng mọi loại trái phiếu, sau khi một số vụ việc có tính chất như "con sâu làm rầu nồi canh"... Dù 99,6% lượng trái phiếu bất động sản từ nay tới cuối năm đều có tài sản đảm bảo, nhưng điều đầu tiên cần được ưu tiên xử lý là trả nợ đúng hạn và đây cũng chính là ưu tiên số 1 của không ít doanh nghiệp phát hành, thay vì tìm kiếm nhiều lý do để lần lữa gia hạn thêm.

Giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Mặc dù áp lực tăng lãi suất là không thể tránh khỏi, nhưng các ngân hàng cho biết cố gắng để giữ lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi huy động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Ưu tiên dùng nguồn tiền từ kinh doanh sản xuất để trả nợ trước, còn huy động để đầu tư lâu dài phải tạm thời dừng lại. Masan sẽ cân nhắc nguồn vốn nước ngoài", bà Đỗ Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Tài chính Masan, cho biết.

"Xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về và thực hiện đúng cam kết nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy niềm tin nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy", ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII), chia sẻ.

Trả nợ đúng hạn và bước tiếp theo cần phải khơi thông được kênh phát hành trái phiếu ra công chúng, khi kênh này gần như không gặp vấn đề về đáo hạn, nhưng lại chiếm tỷ trọng chỉ chưa đến 4% toàn thị trường.

"Quy trình làm việc của Ủy ban Chứng khoán rất chặt chẽ nên nếu trái phiếu được phát hành ra công chúng sẽ làm niềm tin nhà đầu tư tăng lên nhiều. Em rất mong cơ quan nhà nước xem xét quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp", bà Trần Thị Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Phụ trách phát hành, Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đề xuất.

Ghi nhận kiến nghị này, đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng cam kết với doanh nghiệp tại cuộc họp sẽ tiến hành ngay việc rà soát phát hành trái phiếu ra công chúng để giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính và thời gian phát hành cho doanh nghiệp.

Thành viên thị trường kiến nghị giải pháp cho thị trường trái phiếu

Cũng tại cuộc họp với Bộ Tài chính, một số giải pháp kỹ thuật khác đã được doanh nghiệp thẳng thắn kiến nghị.

"Hỗ trợ mở thêm room tín dụng để ít nhất lo nguồn vốn ngắn hạn, vốn lưu động cho hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, thế còn các khoản nợ đến hạn, bọn em sẽ dành từ các nguồn thu hoạt động để có thể trang trải", bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Tài chính Vingroup, cho hay.

"Hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là dự án bất động sản, cần giải quyết nhanh để các nhà đầu tư có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm, lúc đó mới có điều kiện để họ bán được với giá rẻ", ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII), nêu quan điểm.

"Chúng ta cần xem xét lộ trình áp dụng Nghị định 65, có thể áp dụng ngay thời điểm ban hành, đâu đó có thể giãn tiến độ, cho thị trường thích nghi với quy định mới của nghị định", ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc VNDirect, cho biết.

Đề cập đến các giải pháp dài hạn hơn, các thành viên thị trường vẫn đồng tình cho rằng cần tiếp tục chú trọng vào chất, từ vai trò của tổ chức phát hành, tới tổ chức phân phối.

"Nếu 2 năm nữa có dòng tiền thì anh mới được phát hành 2 năm. Còn nếu tài sản đó 3 - 4 năm thì phần phát hành trái phiếu đó phải kéo dài thời hạn đúng bằng thời hạn điểm rơi nguồn thu anh đem về", ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, nêu ý kiến.

"Đối với những nhà đầu tư đang gửi tiết kiệm khi được chào mua trái phiếu, họ luôn luôn nói giống gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Trong khi bản thân, trách nhiệm và vai trò công ty chứng khoán chưa thực hiện đầy đủ", bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân, SSI, nói.

Cùng với đó, thúc đẩy công tác xếp hạng tín nhiệm trái phiếu như một bộ lọc cho các nhà đầu tư tham gia thị trường cũng là kiến nghị được quan tâm.

Nhiều kiến nghị tại cuộc họp tuần qua được đại diện Bộ Tài chính phản hồi. Như vấn đề gia hạn nợ trái phiếu, trong Nghị định 65 cũng đã quy định có thể hoán đổi trái phiếu. Quy định thời gian để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp là 6 tháng, nhưng sắp tới có thể được cân nhắc giảm xuống. Một số điểm khác trong Nghị định 65 cũng được định hướng sửa đổi theo hướng mở hơn.

Ngân hàng nỗ lực ổn định dòng vốn vay

Thực tế trong bối cảnh room tín dụng không còn nhiều, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã tìm đến nhau để bắt tay hợp tác.

Có hơn 30 ha nuôi cá, trang trại ước tính nhu cầu tiêu dùng các loại cá sẽ tăng khoảng 30% trong dịp cuối năm, nên họ phải đầu tư nhiều tỷ đồng vào con giống, thức ăn. Doanh nghiệp cố gắng chuẩn bị 2/3 là vốn tự có, để giảm áp lực vay lãi ngân hàng.

"Vừa là vốn nhà, vừa là vốn ngân hàng. Của nhà 2 phần, ngân hàng 1 phần thì mới phát triển được. Vay gần 10 tỷ, lãi suất đang là 0,7 - 0,8%", ông Phạm Văn Nhiêu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Bảo Minh, chia sẻ.

Về phía ngân hàng, mặc dù áp lực tăng lãi suất là không thể tránh khỏi, nhưng các ngân hàng cũng cho biết cố gắng để giữ lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi huy động. Bởi đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng mà các ngân hàng phải giữ nếu muốn được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn trong năm sau.

Giải pháp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Trong bối cảnh vĩ mô vẫn thuận lợi, nếu những ách tắc dòng vốn sớm được khơi thông, kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục ghi nhận được những đột phá mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Tăng cường nguồn vốn không kỳ hạn CASA để giúp ngân hàng có thể hạn chế tăng chi phí huy động của ngân hàng. Theo đó cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Một trong những mục tiêu chúng tôi đặt ra là cải thiện xếp hạng của ngân hàng trong năm tới, là cơ sở để ngân hàng có được room tín dụng cao hơn trong năm 2023", bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, cho hay.

Nhờ các biện pháp cân đối vốn, ngân hàng Vietcombank vừa quyết định giảm tới 1%/năm đối với các khoản cho vay hiện hữu trong 2 tháng cuối năm.

"Các kế hoạch kinh doanh đã vượt mức kế hoạch nên ngân hàng sẽ triển khai một loạt giải pháp để đảm bảo bình ổn lãi suất cho vay, như tiết kiệm chi phí, kiểm soát nợ để kiểm soát trích lập dự phòng", bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.

Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5%. Các ngân hàng cũng cho biết sẽ tái cơ cấu, cấu trúc lại vòng quay vốn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao hơn trong dịp cuối năm.

Rõ ràng vấn đề dòng vốn đòi hỏi cả những giải pháp cấp bách và cả những giải pháp dài hạn, từ không chỉ một bên, mà tất cả các thành viên thị trường.

Hiện nay, triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; thu ngân sách nhà nước có thể vượt khoảng 14,5%, CPI dưới 4% và bội chi ngân sách dưới 4%.

Trong bối cảnh vĩ mô vẫn thuận lợi, nếu những ách tắc dòng vốn sớm được khơi thông, kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục ghi nhận được những đột phá mới.

Giải pháp nào khơi thông dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp? Giải pháp nào khơi thông dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp?

VTV.vn - Từ giờ tới cuối năm, có 53.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Theo dự đoán, con số này là 284.000 tỷ đồng, 2024 là 363.000 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước