Quý cuối cùng của năm 2022 được coi là mùa cao điểm với nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Vì vậy, nhu cầu vốn cho hoạt động này cũng tăng cao, trong đó kênh tín dụng ngân hàng vẫn là "điểm tựa" quan trọng, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Công ty Cổ phần Phụ gia Nhựa đang hoạt động trong lĩnh vực nhựa phụ gia. Đại diện doanh nghiệp cho biết đây thị trường mở, hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, do đó còn nhiều dư địa cho ngành này.
Nguồn vốn vay ưu đãi 20 tỷ đồng từ ngân hàng đã giúp doanh nghiệp mở tộng thêm nhà máy số 2, mua thêm máy móc thiết bị sản xuất mới. Điều đáng nói, tuy nhà máy số 2 với nhà máy số 1 đều có diện tích bằng nhau, công suất ở nhà máy số 2 đã tăng gấp 3 lần so với nhà máy số 1.
Hệ thống lò sấy trị giá hơn 2 tỷ đồng cũng là một trong những thiết bị quan trọng của nhà máy số 2 được doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn vay ngân hàng. Sử dụng công nghệ mới không chỉ giúp giảm phát thải ra môi trường mà còn tăng hiệu quả. Vì vậy, doanh số năm nay được doanh nghiệp đặt kế hoạch đạt 280 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2021.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Quý cuối năm thường là quý đóng góp tỷ trọng doanh số cao, cũng là quý chúng tôi phải tăng tốc. Chính vì vậy ngân hàng đã tiếp sức kịp thời nguồn vốn để doanh nghiệp hoạt động", ông Đặng Trần Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phụ gia Nhựa, cho biết.
Quý 4 thường là quý các doanh nghiệp cần tăng tốc sản xuất. Do đó, việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi ở thời điểm này sẽ là đòn bẩy tài chính để hoàn thành chỉ tiêu của cả năm.
"Công ty chúng tôi được tạo điều kiện vay gói vay ưu đãi 10 tỷ đồng, với mức lãi suất 9%/năm. Chúng tôi đã mua máy cắt gỗ. Sau khi mua máy này, chúng tôi đã giảm được chi phí về nhân công. So với 6 tháng cuối năm của năm 2021, doanh thu của chúng tôi cũng tăng khoảng 30%", chị Quách Thị Quỳnh, Kế toán Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lộc Tiến, cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Có thể thấy, dòng vốn từ ngân hàng có thể "tiếp sức" thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội cao điểm để phát triển thành các doanh nghiệp quy mô, tầm cỡ trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!