Giải pháp nào chặn đứng đường cát nhập lậu?

PV-Thứ sáu, ngày 18/06/2021 09:00 GMT+7

VTV.vn - Các ngành chức năng đang quyết liệt phối hợp đồng bộ để giải quyết tận gốc việc hàng trăm nghìn tấn đường nhập lậu qua biên giới làm lũng đoạn thị trường đường trong nước.

Đường lậu vào nước ta tăng theo cấp số nhân

Thời gian qua, việc buôn lậu, vận chuyển trái phép đường qua biên giới vẫn tăng theo chiều hướng phức tạp. Chỉ trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2021 đã có hàng chục vụ với gần 20.000 kg đường nhập lậu bị phát hiện.

Theo số liệu thống kê của tổ chức Đường quốc tế (ISO), ước tính mỗi năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ 500.000 tấn lên đến gần 1 triệu tấn, chủ yếu từ Campuchia và Lào, với giá rẻ hơn 1.000-2.000 đồng/kg.

Cả 2 nguồn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ của Campuchia và Lào, từ 2008 - 2019, lượng nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ước tính từ 100.000 - 890.661 tấn. Trong đó, từ 2015 - 2019, con số này tăng đột biến lên 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.

Giải pháp nào chặn đứng đường cát nhập lậu? - Ảnh 1.

35 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới vừa bị BĐBP tỉnh Quảng Trị bắt giữ hôm 11/6/2021 (Nguồn: bienphong.com.vn)

Đường lậu khiến ngân sách nhà nước thâm hụt lớn, doanh nghiệp đường bị cạnh tranh nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí ngưng hoạt động, người dân trồng mía không đảm bảo thu nhập, thua lỗ và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Mạnh tay dập tắt "cơn dịch" đường lậu

Để tạo ra sân chơi công bằng và bảo vệ người tiêu dùng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu trên thị trường. 

BCĐ 389 quốc gia cũng đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Theo đó, hệ thống này cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR nhằm kiểm tra tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Các đơn vị chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm thành phần bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm.

Bộ Tài Chính cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung đối với trường hợp cố ý vận chuyển hoặc vận chuyển nhiều lần mặt hàng đường nhập lậu.

Giải pháp nào chặn đứng đường cát nhập lậu? - Ảnh 2.

Gần 150 tấn đường cát nghi vấn hàng nhập lậu được cơ quan chức năng bắt giữ tại TP Hồ Chí Minh hôm 15/5 vừa qua. Nguồn: vov.vn.

Song song đó, nhà nước cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đường từ Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam. Lực lượng chức năng cần thường xuyên có các chiến dịch kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm vi phạm ở thị trường nội địa.

Chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Khuê nhận định: "Thuế chống phá giá, chống trợ cấp tạm thời được coi là giải pháp quan trọng. Ngoài việc các cơ quan chức năng đang nổ lực hết sức để ngăn chặn nạn đường lậu, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn sử dụng đường có nhãn mác, đảm bảo các quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nông dân cần tiếp tục cải tiến quy trình canh tác nâng cao năng suất cây mía. Một khi chúng ta làm chủ được thị trường trong nước mới có thể đạt được mục tiêu xa hơn bên ngoài Việt Nam".

Để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành để đưa ra những phương án, giải pháp phù hợp, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho người nông dân yên tâm bám trụ với nghề, tạo ra được vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Cùng với những chính sách phòng vệ từ chính quyền, các doanh nghiệp, nhà máy cần nỗ lực tìm kiếm những giải pháp "gần" bà con nông dân hơn để cùng vực dậy, mở rộng vùng nguyên liệu năng suất cao trong dài hạn. Các chương trình hỗ trợ về giống, thuốc trừ sâu, củng cố thủy lợi, đầu tư giao thông…., đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía trên phương châm "cùng thắng, cùng chia sẻ rủi ro" nên được tính toán áp dụng tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng gợi ý doanh nghiệp cần tăng cường công tác nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, công tác bảo vệ thực vật, giống…; Sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón…

Giải pháp nào chặn đứng đường cát nhập lậu? - Ảnh 3.

Người nông dân hy vọng nạn đường lậu sớm được ngăn chặn để cây mía tiếp tục là nguồn thu nhập đang kể. Nguồn:.shutterstock.com

Kết hợp đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp một cách chặt chẽ và quyết liệt không chỉ giúp tăng cường "sức đề kháng" cho ngành đường trong thời kỳ hội nhập, mà còn mở ra lộ trình phát triển bền vững cho người trồng mía cũng như ngành mía đường Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước