Giải pháp nào cho hải sản đông lạnh tồn kho sau sự cố Formosa?

Phùng Hiệp - Đỗ Thủy (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 01/09/2016 10:05 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù được chứng nhận là sản phẩm an toàn, hàng ngàn tấn cá trong các kho cấp đông ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn rơi vào tình trạng không thể xuất bán hay tìm được đầu ra.

Quá tải các kho đông lạnh ở Quảng Bình

Đây là hệ lụy lớn nhất vào lúc này sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung khiến đời sống và kinh tế của người dân địa phương đang thật sự vô cùng khó khăn.

Theo tính toán sơ bộ, số lượng cá còn tồn trong các kho cấp đông lạnh ở Quảng Bình khoảng 2.000 tấn, trong đó, riêng huyện Bố Trạch là 1.000 tấn.

Nguyên nhân một phần được cho là do hiện tập trung thu mua hải sản cho ngư dân đi đánh bắt ở vùng biển xa nên các kho đông lạnh của các cơ sở thu mua bị quá tải.

Cần xác định nguồn gốc hải sản tồn kho

Theo thống kê của các ngành chức năng, số lượng thủy sản đông lạnh tồn kho tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển là gần 3.900 tấn. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là nguồn gốc của gần 3.900 tấn hải sản này là từ đâu?

Theo khảo sát của phóng viên VTV tại các cơ sở thủy hải sản đông lạnh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, số hải sản này được các cơ sở thu mua tại các cảng cá của 4 tỉnh trên vào thời điểm trước và trong thời gian xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Bên cạnh đó, trong thời gian xảy ra sự cố, việc thu mua được thực hiện nhằm hưởng ứng chính sách thu mua tạm trữ thủy hải sản của ngư dân đánh bắt trên vùng biển xa được cho là an toàn, cách bờ biển hơn 20 hải lý. Tất cả các sản phẩm này đều đã được các cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận cá được ngư dân đánh bắt ở các ngư trường xa.

Về lý thuyết, với chứng nhận này, bà con có thể tiêu thụ cá. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên cũng dễ hiểu vì sao cá miền Trung lại tồn đọng lớn như vậy. Không chỉ gây khó về mặt kinh tế, hải sản tồn kho còn gây ra tác động đối với môi trường như tại Quảng Trị đã xuất hiện tình trạng nhiều mặt hàng hải sản tồn đọng, ngâm hàng quá lâu đã phân hủy và bốc mùi.

Giải pháp giải quyết hải sản tồn kho


Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu hải sản tồn kho để xét nghiệm, nếu đảm bảo an toàn sẽ tổ chức tiêu thụ bình thường, nếu không an toàn sẽ tiêu hủy theo quy định.

Có thể thấy, những động thái trên của các cơ quan chức năng là điều hết sức cần thiết vào lúc này để giúp các cơ sở thu mua hải sản vượt qua khó khăn trước mắt để họ tiếp tục là cầu nối đưa những sản phẩm thủy hải sản an toàn từ bà con ngư dân đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để hải sản sau khi được xét nghiệm là an toàn có thể tiêu thụ được cần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Mà để làm được điều này, các cơ quan chức năng cũng cần sớm có công bố về chất lượng thủy hải sản đánh bắt tại các tỉnh miền Trung.

Hậu Formosa, 3.900 tấn hải sản 'bán không ai mua' Hậu Formosa, 3.900 tấn hải sản "bán không ai mua"

VTV.vn - Do không xác định được thời điểm tôm, cá bị chết và người tiêu dùng đang lo ngại về mức độ an toàn của tôm, cá nên hải sản đông lạnh rơi vào cảnh bán không ai mua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước